Kỹ thuật sử dụng một số loại phân mới cho sản xuất đậu phụng vụ mùa 2013   12/8/2013

      Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp Tỉnh, vụ mùa năm 2013 toàn tỉnh gieo trồng 3.500 ha Đậu Phụng với năng suất bình quân phấn đấu đạt 18.5 tạ/ha. Với giá đậu phụng hiện nay, nếu bà con nông dân nâng cao năng suất trên 30 tạ/ha thì sẽ có thu nhập cao hơn nhiều so với một số loại rau màu khác.



      Tuy nhiên, trong thực tiễn sản xuất hiện nay vẫn còn một số khó khăn chưa thể giải quyết tốt được đó là:
      - Bộ giống đậu năng suất cao chưa nhiều, chưa phổ biến.
      - Kỹ thuật sử dụng phân bón và bón phân chưa khoa học.
      - Đây là vụ sâu bệnh rất nhiều (bệnh lỡ cổ rễ, đốm lá, sùng, sâu cuốn lá, rệp, rầy, nhện đỏ v.v.) mà chưa phải bà con nông dân nào cũng quản lý tốt được.
      - Đa số đất trồng đậu phụng là đất cát, pha cát, bạc màu, thiếu rất nhiều hữu cơ, chưa nói là các chất đa, trung ,vi lượng càng thiếu trầm trọng.
      - Một thực tế là từ lâu nay, người trồng đậu phụng được khuyến cáo sử dụng  phân Super Lân và vôi bột để bón, vô tình đã làm cho đất càng bị chua phèn, thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng như: MgO, Bo, Mn, SiO2 , Fe, S, Zn, Cu… Chính vì vậy mà năng suất không cao, chất lượng mẫu mã quả không được như ý muốn. Đặc biệt những vùng thâm canh cây đậu phụng (trồng từ 2-3 vụ/ năm thì hiệu quả kinh tế không cao).
      - Về mặt kỹ thuật, chỉ bón Lân, Vôi ở giai đoạn bón lót cho nên càng về sau, nhất là lúc đậu phụng ra hoa, làm hạt không đảm bảo dinh dưỡng mà lại thiếu P2O5, CaO, vì các chất đó đã bị rữa trôi, thấm sâu và kết tủa.
         Ngạn ngữ có câu: “Không Lân, không Vôi thì thôi trồng lạc”
      Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó và qua thực nghiệm 2-3 vụ trồng đậu phụng ở xã Hòa Thắng, Hồng Phong huyện Bắc Bình, xã Thiện Nghiệp, Tiến Thành thành phố Phan Thiết với diện tích gần 100 ha đã cho kết quả rất thành công khi đưa một số loại phân bón mới vào trồng đậu phụng. (Năng suất có hộ tăng 50-60%, cá biệt có hộ tăng >70%). Mẫu mã hạt quả đậu phụng sáng đẹp, hạt chắc, sâu bệnh giảm đi nhiều.
      Đây là loại phân bón mới đưa vào tỉnh ta được 2-3 năm nay, cho nên nhiều bà con nông dân trồng đậu phụng nói riêng các loại cây trồng khác nói chung chưa có thông tin và điều kiện để sử dụng. Các loại phân này, ngoài yếu tố P2O5, CaO thì còn bổ sung rất nhiều loại trung vi lượng khác mà các loại cây trồng rất cần: S, SiO2, Bo, MgO,Fe, Cu, Zn, Zn v.v. Chính vì lợi ích thế này mà loại phân này hơn hẳn Super Lân, vôi truyền thống.
      - Những loại phân đó là :
      1. Lân Phosphorite
      2. Lân Vôi Địa Long
      3. Vôi trung vi lượng Humix
      * Kỹ thuật bón các loại phân này:
      Ngoài các loại phân hữu cơ truyền thống, hữu cơ chuyên dùng, Ure bón theo quy trình đã được thực hiện theo quy định. Bón lót toàn bộ phân hữu cơ và ½ lượng Ure, còn các loại phân mới này kỹ thuật bón như sau:
      a. Bón lót toàn bộ phân Lân Phosphorite, lượng bón 300-350kg/ha kết hợp với ½ lượng Lân Vôi Địa Long. Lượng bón cả vụ: 250 kg-300 kg/ha, bón lót 125 -150 kg/ha. Lượng Lân Vôi Địa Long còn lại bón vào lúc đậu phụng ra lứa tia đầu tiên, kết hợp với Ure, Kali (theo quy trình) và xới xáo vun gốc.
      b. Bón lót toàn bộ Lân phosphorite, lượng bón 300-350 kg/ha kết hợp với ½ lượng vôi trung vi lượng Humix, lượng bón cả vụ 250-300 kg/ha. Lượng vôi trung vi lượng Humix còn lại, bón thúc vào lúc đậu phụng ra lứa tia đầu tiên kết hợp với Ure và Kali (theo quy trình) và xới xáo vun gốc.
Ngoài ra, để tận dụng nguồn cây đậu phụng làm thức ăn cho gia súc, nếu dùng không hết có thể ủ làm phân bón cho vụ Đông Xuân 2013-2014, bằng cách ủ với các loại phân bón trên; Với lượng 1 tấn thân cây đậu phụng ủ với 50 kg Lân Phosphorite hoặc 50 kg Vôi trung vi lượng Humix. Thời gian ủ 2-2,5 tháng.
      Cách ủ: Rải thân cây đậu phụng dày 30-40 cm thì rải 1 lớp các loại phân trên, sau đó làm lớp mới cũng như vậy và ủ thành đống, che phủ bằng cỏ, rơm rạ,  tấm bạt nhựa.
      Hiện nay, các loại phân bón này đã có mặt ở tất cả các đại lý phân bón thuốc BVTV trên địa bàn toàn tỉnh, bà con liên hệ để mua và sử dụng.
      Chúc bà con nông dân sản xuất một mùa đậu phụng bội thu!
 
                                                                                                                                                                                     KS. Trần Minh Tân
                                                                                                                                                                                     KS. Trần Thị Hoài Anh

 


Các tin tiếp
Thoát vị đĩa đệm   (23/11/2015)
Dụng cụ diệt ruồi vàng   (18/11/2015)
TÓM TẮT QUY TRÌNH XỬ LÝ CÀNH, QUẢ THANH LONG BỊ BỆNH   (28/10/2015)
SĂN SÓC ĐIỀU DƯỠNG   (26/10/2015)
Sản xuất khung xe đạp bằng tre   (26/9/2015)
Nhận biết và phòng tránh chấn thương sọ não ở trẻ em   (22/9/2015)
Làm thế nào để hạn chế tai biến điều trị xảy ra trong bệnh viện   (8/4/2014)
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh hạn chế dịch bệnh   (28/10/2013)
Hạn chế rụng trái non trên cây ăn trái   (26/9/2013)
Chủ động sản xuất lúa vụ mùa năm 2013   (12/8/2013)
Kỹ thuật sử dụng một số loại phân mới cho sản xuất đậu phụng vụ mùa 2013   (12/8/2013)
Công nghệ xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng   (15/7/2013)
Lưu ý khi nuôi cá nước ngọt   (12/7/2013)
Nuôi cá thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp   (24/6/2013)
Công nghệ xây dựng mới: Nhanh hơn - rẻ hơn   (28/3/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4833032