Biện pháp canh tác né bệnh đốm nâu trong vườn thanh long   15/3/2017

Cây thanh long được xem là cây trồng lợi thế của tỉnh, với diện tích canh tác trên 26.000 ha và mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay bệnh đốm nâu đã xuất hiện và gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất của nhiều người dân trồng thanh long trên địa bàn tỉnh.



Những năm qua, Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Thuận đã thực hiện rất nhiều khảo nghiệm về hiệu lực của các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ nấm bệnh nhưng kết quả vẫn chưa có loại thuốc nào có khả năng đặc trị được loại nấm này. Từ những khó khăn trên, Chi cục Bảo vệ thực vật đã vận dụng một biện pháp mà đã được cả nước sử dụng và rất thành công trong việc phòng trừ bệnh vàng lùn và lùn xoắn là do rầy nâu truyền bệnh vào vấn đề né bệnh đốm nâu đối với cây thanh long, đó là giải pháp “Sử dụng biện pháp canh tác để né bệnh đốm nâu trong vườn thanh long”.

Né bệnh được xem như là một trong những biện pháp phòng bệnh mang lại hiệu quả kinh tế nhất. Khi né được bệnh thì giảm được kinh phí phòng trừ bệnh. Đặc biệt biện pháp né bệnh được ứng dụng trong bảo vệ thực vật để áp dụng đối với các bệnh chưa có thuốc phòng trừ hoặc các thuốc phòng trừ mang lại hiệu quả không cao gây ảnh hưởng đến môi trường và chất lượng sản phẩm.

Mỗi loại nấm hại cây trồng để gây hại cho cây trồng chúng cần phải có nguồn bệnh. Với đặc tính cơ bản của nấm Neoscytalium dinudiatum (penz) Craus và Slippers (tác nhân gây bệnh đốm nâu) là gây hại vào thời điểm nhiệt độ cao và ẩm độ cao vì thế chúng tập trung gây hại vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch hàng năm. Bộ phận gây hại đốm nâu là hoa, trái và cành thanh long. Đặc biệt cành thanh long có độ tuổi nhỏ hơn 4 tháng tuổi rất mẫn cảm với bệnh đốm nâu, theo kết quả nghiên cứu có đến 95% vết bệnh mới gây hại trên cành đều tập trung trên cành có độ tuổi nhỏ hơn 4 tháng tuổi. Bệnh đốm nâu gây thiệt hại trên trái thì nguồn bệnh ban đầu trên vườn là cành. Tuy nhiên, nông dân chưa có biện pháp quản lý nguồn bệnh tại vườn mình mà chủ yếu sử dụng thuốc BVTV, sử dụng biện pháp canh tác để “né bệnh” đốm nâu trong vườn thanh long là biện pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất, nội dung thực hiện như sau:

1. Lấy chồi né bệnh  (từ tháng 11 đến tháng 2):

Bước 1- Vệ sinh vườn: Từ tháng 12 đến tháng 2 dương lịch hàng năm các vườn thanh long cần làm vệ sinh vườn, làm sạch cỏ dại, tỉa cành cho vườn thông thoáng, sạch sẽ, không để cho vườn quá rậm rạp. Loại bỏ những cành, quả bị bệnh, thu gom chôn lấp, rắc vôi bột tiêu hủy để diệt trừ mầm bệnh theo quy trình ủ sau (qui trình ủ cành hoa trái bị bệnh): Chuẩn bị vật tư (cho 1 tấn nguyên liệu): Chế phẩm vi sinh vật xử lý xác hữu cơ EMIC của Viện Môi trường – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 02 gói 400g; Super lân: 10kg; Vôi: 15kg; Kali: 1kg; Rỉ mật: 3 – 5 lít/tấn; Nước: 20 – 30 lít; Cách tiến hành: Nguyên liệu xử lý: Cành, quả thanh long nhiễm bệnh, được thu gom và làm nhỏ kích cỡ; Rải một lớp nguyên liệu sau đó rắc đều vôi và lân lên bề mặt, sử dụng dịch vi sinh vật tưới đều. Đánh thành đống hình chóp hoặc hình chữ nhật chiều cao đóng ủ 1.2 – 1.5 m.

Bước 2- Bón phân lấy chồi: Bón phân chuồng ủ hoai hoặc phân hữu cơ kết hợp với phân bón có chứa hàm lượng đạm và lân cao theo tỉ lệ 3:2:1 (3 đạm: 2 lân: 1 kali) để kích thích cây ra chồi. Tăng cường bón thêm phân bón trung vi lượng có chứa hàm lượng Mg, Ca, Si, Zn để cành non tăng sức chống chịu nắng và bệnh. Lưu ý, tốt nhất 1 năm nên lấy 2 lứa chồi, một lứa đầu mùa khô và 1 lứa giữa mùa khô.

Bước 3- Tưới nước: Không tưới nước vào chiều tối vì sẽ tạo ẩm độ cao trong vườn tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Không tưới phun lên tán cây đặc biệt là dùng bét xoay trên đầu trụ vào chiều tối.

2. Né chồi (cành) bệnh từ (tháng 3 đến tháng 11):

Bước 1- Bón phân nuôi trái né chồi: Từ tháng 3 đến tháng 11 dương lịch hàng năm các vườn thanh long khi bón phân cần bón lượng phân theo tỉ lệ 2:1: 3 (2 đạm: 1 lân: 3 kali) để hạn chế cây thanh long ra chồi non, đối với những vườn bị đốm trắng trước hoặc những vườn lấy trái tập trung (bẻ bỏ các lứa ít chỉ lấy 2 – 3 lứa vào hàng mùa) thì bón theo công thức  1: 1: 2 (1 đạm: 1 lân: 2 kali).

Bước 2- Thăm vườn thường xuyên vệ sinh nguồn bệnh: Do đặc điểm bệnh đốm nâu phát triển mạnh trong mùa mưa vì vậy những vườn đã bị đốm nâu trước đó thì vẫn bị bệnh đốm nâu tấn công trên cành hoa và trái. Vì thế nên tiến hành thăm vườn thường xuyên 1 lần/1tuần, thu gom cành, hoa và trái mới bị bệnh và tiêu hủy theo qui trình ủ cành, hoa, trái bị bệnh. Cần chú ý đóng ủ nên để ở cuối gió hoặc nơi thấp trũng không gần vườn thanh long.

Bước 3: Sử dụng thuốc để phòng bệnh: Nếu trong quá trình chăm sóc vẫn còn một số cành non ra trên trụ thì tiến hành cắt bỏ ngay và phun thuốc bảo vệ thực vật với hỗn hợp các hoạt chất Azoxystrobin + Difenoconazole + Carbendazim; 7-10 ngày 1 lần; liều lượng phun có hướng dẫn trên bao bì của các loại thuốc. Đặc biệt lưu ý là phải phun ngừa bệnh sau mỗi cơn mưa.

Bước 3- Tưới nước: Không tưới nước vào buổi chiều và ban đêm vì sẽ tạo ẩm độ cao trong vườn tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Không tưới phun lên tán cây đặc biệt là dùng bét xoay trên đầu trụ vào chiều tối.

Giải pháp đạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần VI (2014-2015) của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh./.

Tác giả bài viết: Ngô Viết Năng


Các tin tiếp
Thoát vị đĩa đệm   (23/11/2015)
Dụng cụ diệt ruồi vàng   (18/11/2015)
TÓM TẮT QUY TRÌNH XỬ LÝ CÀNH, QUẢ THANH LONG BỊ BỆNH   (28/10/2015)
SĂN SÓC ĐIỀU DƯỠNG   (26/10/2015)
Sản xuất khung xe đạp bằng tre   (26/9/2015)
Nhận biết và phòng tránh chấn thương sọ não ở trẻ em   (22/9/2015)
Làm thế nào để hạn chế tai biến điều trị xảy ra trong bệnh viện   (8/4/2014)
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh hạn chế dịch bệnh   (28/10/2013)
Hạn chế rụng trái non trên cây ăn trái   (26/9/2013)
Chủ động sản xuất lúa vụ mùa năm 2013   (12/8/2013)
Kỹ thuật sử dụng một số loại phân mới cho sản xuất đậu phụng vụ mùa 2013   (12/8/2013)
Công nghệ xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng   (15/7/2013)
Lưu ý khi nuôi cá nước ngọt   (12/7/2013)
Nuôi cá thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp   (24/6/2013)
Công nghệ xây dựng mới: Nhanh hơn - rẻ hơn   (28/3/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4847137