Mang điện mặt trời đến với nông dân   26/9/2013

Vừa qua, một nhóm sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, chế tạo “hệ thống tự động tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời” và triển khai ứng dụng tại vùng đất khô hạn nhất ở tỉnh ta, nhằm biến nguồn năng lượng vô tận này thành “kho báu” của người nông dân, giúp việc chăm sóc cây trồng được thuận lợi hơn, giảm chi phí sản xuất, giải phóng sức lao động và bảo vệ môi trường. 



Biến khó khăn thành lợi thế
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió, gia đình vốn xuất thân là nông dân nên Lương Văn Liêm thấu hiểu cảnh người nông dân quê mình gặp nhiều khó khăn về tưới tiêu do đất đai khô cằn, nguồn nước lại khan hiếm. Đặc biệt, ở những khu vực không có lưới điện đi qua, người nông dân càng vất vả hơn khi phải tốn nhiều công sức với những phương pháp tưới thô sơ, vừa lãng phí nguồn nước mà hiệu quả không cao. Xuất phát từ thực tế đó, chàng trai trẻ Lương Văn Liêm (SN 1990), sinh viên Khoa Điện- Điện tử, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh đã có ý tưởng chế tạo ra hệ thống tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời bằng công nghệ mới “made in Viet Nam” để giúp nông dân quê mình đạt năng suất tưới cao hơn từ nguồn năng lượng tự nhiên dồi dào sẵn có, nhất là ở những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn.
Bằng những kiến thức học được ở trường, Liêm đã quyết tâm thực hiện ý tưởng đó cùng với 4 người bạn học chung lớp khi tham gia Cuộc thi sáng tạo bảo vệ môi trường Holcim Prize 2012 do Công ty Holcim Việt Nam tổ chức. Hệ thống kết nối được lắp đặt như pin, bộ sạc, bộ ắc quy, bộ chuyển đổi, ánh sáng mặt trời được hấp thụ và chuyển đổi để tạo thành điện năng. Liêm cho biết, đề tài gồm có 3 phần chính là năng lượng, tưới và tự động. Trong đó, cùng với việc sử dụng nguồn năng lượng mặt trời thay thế cho điện sinh hoạt để bơm nước, hệ thống tưới sẽ lắp đặt vòi phun tiết kiệm. Khi có mưa, hệ thống tưới tiêu sẽ tự động ngưng hoạt động để tiết kiệm nước; trong điều kiện bình thường hệ thống này sẽ hoạt động nhỏ giọt để tránh úng cho cây. Sau gần một năm nỗ lực nghiên cứu thực hiện, đề tài sử dụng năng lượng mặt trời cung cấp giải pháp tưới tiêu tiết kiệm đã xuất sắc vượt qua hàng trăm đề tài của các sinh viên đến từ 7 trường đại học, giúp nhóm của Liêm giành được giải đặc biệt bởi tính thực tiễn và bền vững của nó. Công trình này ra đời đã góp phần biến những khó khăn của vùng đất nắng Ninh Thuận thành lợi thế để người nông dân có thể trồng hoa màu vào mùa khô mà không lo thiếu nước tưới, không phải tiêu tốn do phải sử dụng điện lưới.
Giải pháp thay thế hiệu quả
Với tính khả thi cao, dự án đã được Công ty Holcim hỗ trợ triển khai ứng dụng thực tế tại Ninh Thuận. Giai đoạn một của dự án được đưa vào thử nghiệm từ tháng 5-2013 tại hộ ông Nguyễn Hữu Lương ở thôn Từ Tâm 2, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, trên diện tích 4 sào trồng cây đậu phộng và dưa.
Chi phí đầu tư để lắp đặt hệ thống công nghệ ban đầu bao gồm 10 tấm pin mặt trời, bộ xạc, ắc quy, bộ chuyển đổi khoảng 100 triệu đồng. Hệ thống có công suất 0,8 kWp, tuổi thọ sử dụng khoảng 15 năm.
Khi dự án được triểu khai, ông Nguyễn Hữu Lương rất phấn khởi, cho biết: Phước Hải là một trong những vùng khô hạn của tỉnh. Đất ở đây chủ yếu là đất cát, không những thiếu độ ẩm mà còn thường hay xảy ra tình trạng cát bay. Nguồn nước khan hiếm nên bà con sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời, nhiều diện tích đất phải bỏ hoang hóa. Hơn nữa, do vùng này ở cách xa lưới điện hạ thế, nên muốn có điện để bơm nước, người dân phải tự kéo dây vào, chi phí tốn kém, không an toàn. Khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, nguồn điện thu được có thể sử dụng suốt ngày, vừa cung cấp điện chiếu sáng, vừa bơm nước tưới tiêu hoa màu. Có nguồn nước tưới ổn định, người nông dân có thể sản xuất được 3 vụ/ năm, nhờ đó nguồn thu nhập cũng sẽ tăng. Hơn nữa, nó dễ lắp đặt và sử dụng, rất phù hợp với những vùng ở xa lưới điện.
Nhờ có hệ thống tưới hiện đại này, với 4 sào đậu phộng và dưa, sau 3 tháng canh tác, ông Lương thu về 17 triệu đồng; trừ chi phí, ông lãi hơn 15 triệu đồng/vụ. Đánh giá về hiệu quả ứng dụng của đề tài, ông Trần Thọ, Trưởng Ban Văn- Xã thuộc Hội Nông dân tỉnh khẳng định, qua nghiệm thu bước đầu cho thấy, hệ thống hoạt động tốt, có nhiều tính năng ưu việt. Nếu cải tiến một số yếu tố cho phù hợp với tình hình thực tế, mô hình tưới tiêu sử dụng nguồn năng lượng sạch này có thể ứng dụng rộng rãi, là giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, an toàn, bền vững.

 Theo khoahocphothong.com.vn


Các tin tiếp
Nghiên cứu cơ chế hoạt động của các tác nhân gây bệnh do nấm mốc ở rau quả   (28/10/2013)
Việc chế tạo thuốc insulin dạng viên đạt tiến bộ mới   (28/10/2013)
Mang điện mặt trời đến với nông dân   (26/9/2013)
Sản xuất năng lượng sạch từ nước thải ô nhiễm   (26/9/2013)
Tổ hợp khu hệ vi sinh vật phân hủy rơm rạ tại ruộng   (28/8/2013)
Bình Thuận: Nuôi thành công hải sâm cát   (28/8/2013)
Ứng dụng chế phẩm sinh học Chitosan trong sản xuất thanh long   (15/7/2013)
Xử lý rác thải thành phân hữu cơ, mô hình hay ở Tánh Linh   (15/7/2013)
Máy in cầm tay siêu nhỏ   (12/7/2013)
Dùng gỗ chế pin "xanh"   (21/6/2013)
Kỹ thuật nuôi Dông kết hợp Thỏ Rừng lai   (15/4/2013)
Quy trình kỹ thuật trồng cây khoai mỳ   (15/4/2013)
Hội thảo Giải pháp chong đèn hiệu quả cho thanh long trong tình hình thiếu điện   (15/4/2013)
Xử lý tình huống cứu tàu mắc cạn   (15/4/2013)
Top 10 phần mềm thiết kế brochure miễn phí   (28/3/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4836065