QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC CÂY ĐẬU PHỤNG (CÂY LẠC)   12/10/2017

I. KỸ THUẬT CANH TÁC:

1. Chuẩn bị đất:



 - Làm đất: Cày sâu, bừa nhỏ tơi xốp và nhặt sạch cỏ dại trước khi rạch hàng.

 

 - Đối với đất màu làm liếp rộng 1,2 – 1,5m, rãnh rộng 20 – 30cm. Vụ đông xuân không lên liếp, trồng thành băng rộng 5 – 6m, đào rãnh giữa các dãi băng để tiện đi lại, chăm sóc và tưới nước.

 - Trồng mùa mưa (vụ hè thu và thu đông) nhất thiết phải lên liếp thoát nước.

2. Giống:

 Một số giống đậu phụng phổ biến như Đậu giấy (Đồng Nai, Sông Bé, Biên Hòa). Giống VD2 của Công ty cổ phần giống cây trồng Miền nam. Giống L14, MD7 và LDH01 do viện Khoa học nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ chọn lọc…

3. Thời vụ:

 - Vụ Đông Xuân (chính vụ) gieo tháng 11 – 12 thu hoạch tháng 2 – 3.

 - Vụ Hè Thu gieo tháng 4 – 6 thu hoạch 7 – 8.

 - Vụ Thu Đông gieo tháng 7 – 8 thu hoạch tháng 10 – 11.

4. Kỹ thuật gieo hạt:

 - Trước khi gieo xử lý hạt bằng thuốc Rovral kết hợp với Regent 3H (hoặc BAM 5H).

 - Gieo hạt:

 + Gieo hốc: Đất sau khi được xới kỹ và lên liếp, dùng chày 4 – 5 mũi nhọn đi lùi trên ruộng để chọc lỗ (hốc) và gieo tia hạt. Khoảng cách hốc 20 – 25cm và gieo 2 – 3 hạt/hốc.

 + Gieo hàng: Dùng cào 4 – 5 răng với khoảng cách các răng 25cm kéo dọc mặt liếp có độ sâu 4 – 5cm và gieo hạt cách nhau 7 – 9cm. Lượng đậu giống vỏ là 180 – 200kg/ha.

 - Độ sâu gieo hạt: Mùa nắng, đất nhẹ gieo sâu 5cm, mùa mưa, đất nặng gieo sâu 3cm.

II. KỸ THUẬT BÓN PHÂN, CHĂM SÓC:

1. Bón phân:

 - Bón vôi trước khi làm đất khoảng 500kg/ha và 2 – 3 năm bón 1 lần.

 - Bón lót 2 – 3 tấn phân chuồng hoai kết hợp với phân hóa học.

 Có thể áp dụng công thức phân: 25kg N – 60kg P2O5 – 60kg K2O/ha.

Thời kỳ bón:

 + Bón lót toàn bộ phân hữu cơ và kali + 50% lân +1/3 phân đạm kết hợp với thuốc trừ kiến, mối.

 + Phân đạm còn lại chia ra làm hai lần bón thúc:

 - Thúc 1: 10 – 15 ngày sau khi gieo;

 - Thúc 2: 25 – 30 ngày sau khi gieo

50% phân lân còn lại sẽ được bón vào thời điểm cây ra hoa để làm tăng năng suất (nên dùng super lân để bón).

2. Chăm sóc:

 - Trồng dặm: 3 – 5 ngày sau khi gieo.

 - Làm cỏ vào ngày thứ 15 và ngày thứ 30 sau khi gieo, kết hợp bón phân thúc.

3. Tưới nước:

 Có 2 cách tưới:

 a. Tưới phun:

 - Lần tưới đầu tiên vào thời điểm ngay sau khi gieo, sau đó tưới 7 – 10 ngày/lần.

 - Tưới cho đất đủ thấm nước và nên tưới cuốn chiếu, tránh đi lại nhiều trên ruộng. Thiết kế những đường rãnh nhỏ để tiêu nước khi cần thiết, nhất là trường hợp gặp mưa to.

 b. Tưới rãnh: Áp dụng phổ biến ở những vùng đất nhẹ và trồng lên liếp.

 - Số lần tưới như tưới phun và lần tưới đầu tiên cũng áp dụng ngay sau khi gieo. Nơi cao tưới trước, nơi trũng tưới sau. Tưới cho rãnh nước thấm đều và hạn chế đi lại trên rãnh sau khi tưới. Các rãnh tưới phải thông thoáng, dẫn nước tốt.

 Các giai đoạn cây đậu cần nước: vừa gieo xong; ra hoa; đâm tia và tạo trái. Ngưng tưới trước khi thu hoạch 10 – 12 ngày.

III. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH:

A. Bệnh:

 1. Bệnh héo cây con: Bệnh gây hại chủ yếu ở giai đoạn cây con (2 tuần tuổi). Cây bị héo, quan sát ngay gốc cây chết thấy có khuẩn ty màu trắng, sau đó trở thành cương hạch tròn màu trắng rồi nâu. Phun thuốc Kitazin 50 EC theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

 2. Bệnh đốm lá: có 02 loại:

 + Đốm nâu: Hại chủ yếu trên lá, vết bệnh có màu nâu, nâu vàng, xung quanh vết bệnh có quần vàng, trên vết bệnh có 1 lớp mốc màu xám, mặt dưới vết bệnh có màu nhạt hơn.

 + Đốm đen: Bệnh xuất hiện đầu tiên ở những lá dưới gốc sau đó lan lên những lá phía trên, vết bệnh có màu đen đều ở 2 mặt. Vết bệnh có hình tròn, dưới lá màu đen sẫm, dày. Từ trung tâm vết bệnh lan ra xung quanh, vết bệnh có hoặc có viền vàng rất nhỏ.

 Bệnh gây hại nặng vào giai đoạn 70 ngày sau khi trồng. Dùng thuốc gốc đồng hoặc lưu huỳnh như: Benlate, Kumulus, Kasuran, Bordeaux phun vào 20 – 25 ngày sau khi thu.

 3. Gỉ sắt: Triệu chứng: Bệnh phát sinh chủ yếu trên lá, đôi khi có trên cuống lá, thân, tia quả. Vết bệnh là các mụn nhỏ màu vàng cam ở dưới các mặt lá, bệnh nặng làm lá khô vàng và rụng đi. Bệnh do nấm gây ra, có thể hại trên tất cả giai đoạn sinh trưởng của cây. Khi chớm bệnh có thể phun Daconil, Dithane M45, Bavistin …

 4. Lỡ cổ rễ: Dùng thuốc Validamycin, Anvil, Mancozeb …

 5. Bệnh chết nhát: Vụ đông xuân, cây đậu thường bị bệnh chết nhát khoảng 10 – 20 ngày sau gieo. Bệnh chết nhát trên cây đậu phụng còn gọi là bệnh chết ẻo làm thiệt hại lớn đến năng suất và chất lượng đậu. Bệnh do nhiều tác nhân: vi khuẩn gây héo xanh, nấm gây héo rũ gốc, mốc đen, mốc trắng.

 Biện pháp phòng trừ:

 + Luân canh với các loại cây trồng khác (lúa, bắp …); sử dụng phân hữu cơ, bón phân cân đối.

 + Xử lý hạt trước khi gieo. Trộn hạt giống với các loại thuốc như Hạt Vàng 50 WP liều lượng 100gr/30kg giống hoặc Saizole 5 SC liều lượng 100ml/30kg giống hòa với nước và tưới đều lên hạt đậu giống trước khi đem gieo khoảng 1 – 2 giờ.

 Khi cây được 20 – 40 ngày tuổi, phun các loại thuốc Mexyl MZ 72WP: 1,5kg/ha + KNO3: 1kg/ha, Dipomate 80WP: 1,5kg/ha + Multi-K.

B. Sâu:

 - Sâu xanh da láng, sâu tơ, sâu xám: phun Vectimec, Polytrin, Regent …

 - Sùng đất: sử dụng các loại thuốc Regent, Basudin …

 - Sâu đất: rãi thuốc trừ sâu dạng hạt vào đất từ 1 – 2 tuần lễ trước khi gieo hạt.

 Chú ý: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách).

IV. THU HOẠCH VÀ BẢO QUẢN

 Việc thu hoạch và bảo quản có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt đậu.

 Thu hoạch phải đúng độ chín, (khoảng 3 tháng sau khi gieo) khi có 70 – 75% số quả chín/tổng số quả của cây. Gần ngày thu hoạch nhổ một số cây mẫu để kiểm tra xác định ngày thu hoạch thích hợp.

 Quả đậu phụng tươi sau khi thu hoạch có lượng nước 45 – 55% trọng lượng. Cần phải làm khô để hạ độ ẩm xuống còn 9 – 11% bằng cách phơi nắng hoặc sấy. Nếu phơi thì tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mạnh trên 45ºC.

 Quả giống sau khi đã làm khô, để nguội rồi đóng gói trong bao tải bên trong có túi ni lông, khâu kỹ. Nên bảo quản đậu phụng vỏ tốt hơn đậu hạt. Nơi bảo quản cần khô ráo, thoáng mát. Độ ẩm trong kho bảo quản tốt nhất khoảng 65 – 70%, ẩm quá hạt dễ bị nấm mốc làm hư hại nhưng nếu khô quá hạt bị giòn và dễ vỡ khi vận chuyển.

 Nhiệt độ bảo quản càng thấp thì thời gian bảo quản được càng dài. Bảo quản trong phòng lạnh 12 – 13ºC. Đậu giống không nên bảo quản quá 12 tháng.

 Trong điều kiện bảo quản ở gia đình có thể dùng hai lớp cót quây, ở giữa là lớp trấu khô hoặc tro bếp để chống ẩm (giống như phương pháp bảo quản lương thực). Nếu số lượng ít có thể bảo quản bằng chum vại và bịt kín.

(Quyết định số 740/QĐ-SNN ngày 13/6/2016 của Sở NN&PTNT Bình Thuận)
Theo khuyennong.binhthuan.gov.vn


Các tin tiếp
Kỹ thuật trồng gừng   (3/10/2017)
Phương pháp nuôi tôm mùa mưa   (27/9/2017)
Kỹ thuật trồng cây chanh cho trái quanh năm   (21/9/2017)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc Mít Thái ra trái quanh năm   (31/8/2017)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây xanh   (15/8/2017)
Tập huấn trồng rau an toàn   (14/8/2017)
Kỹ thuật nuôi ếch   (14/4/2017)
Bắp lai đơn SK 100 cho năng suất cao trên đất Đông Tiến   (14/10/2016)
Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu   (30/9/2016)
Sử dụng sóng âm mới để sản xuất siêu vắc xin   (20/1/2016)
Giải bài toán điện cho thanh long   (28/10/2015)
Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính   (21/10/2015)
Biến rơm thành phân bón, tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng   (14/9/2015)
Ứng dụng phân hữu cơ sinh học nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng tính bền vững trong canh tác cao su   (8/7/2013)
Cẩn trọng khi chọn mua nấm linh chi   (21/6/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4836625