Xử lý rác thải thành phân hữu cơ, mô hình hay ở Tánh Linh   15/7/2013
Hố ủ các thành phần hữu cơ sau khi rác được phân loại

NDĐT - Trung tâm Thiện Chí đã xây dựng một Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ ở huyện Tánh Linh (Bình Thuận) hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua với mức đầu tư thấp, vận hành đơn giản, mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội.



Dự án “Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt” do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển cộng đồng Thiện Chí (Trung tâm Thiện Chí), Bình Thuận thực hiện đã được Ngân hàng Thế giới trao giải thưởng về Cải thiện môi trường năm 2006, trị giá 125 triệu đồng.
Đây là một Dự án mang tính chất xã hội với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hướng tới một mô hình xử lý rác thải bền vững.
Từ nguồn tiền này, cùng với việc huy động các nguồn khác, Trung tâm Thiện Chí đã xây dựng một Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ ở huyện Tánh Linh (Bình Thuận).
Thị trấn Lạc Tánh là huyện lỵ của huyện Tánh Linh có gần bốn nghìn hộ dân. Trung bình mỗi tháng, có khoảng hơn 100 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, chủ yếu ở các chợ và trên các tuyến đường chính, được chôn lấp tại bãi rác thải tập trung ở thôn Lạc Hà.
Hàng năm, lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng, diện tích chôn lấp rác ngày càng nhiều. Việc xử lý chỉ được thực hiện bằng cách đốt thường xuyên. Mùi hôi thối rất nặng. Tình trạng ô nhiễm không khí, nước ngầm ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đời sống của nhân dân trong khu vực.
Năm 2006, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ được xây dựng trên diện tích 6.000 m2 tại bãi rác cũ, với tổng mức đầu tư gần một tỷ đồng. Nhà máy có công suất xử lý 100 tấn rác thải/tháng, được vận hành với bảy công nhân. Ông Nguyễn Văn Thân, Giám đốc Trung tâm Thiện Chí cho biết, nhà máy xử lý rác bằng công nghệ yếm khí tùy nghi – sử dụng các chế phẩm vi sinh vật để phân hủy rác. Thời gian ủ rác thành phân trong vòng 28 – 30 ngày; không có mùi hôi thối, nước rỉ được tái sử dụng. Phần rác thải hữu cơ sẽ được chuyển thành phân compost để chế biến thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Anh Võ Văn Thành, quản lý Nhà máy cho biết quy trình xử lý rác tại nhà máy gồm bốn bước: rác thải sinh hoạt thu gom về nhà máy được phân loại các chất hữu cơ và vô cơ; các thành phần hữu cơ đã phân loại được đưa vào các hố ủ bằng bê tông, sử dụng chế phẩm sinh học phun đều sau mỗi lớp rác 10 - 15 cm, nước phun vừa đủ ấm, đậy bạt nhựa kín hố ủ; sau 30 ngày nhiệt độ hố ủ ổn định khoảng 40- 45 độ C, rác thải đã ủ chín và được đưa vào máy phân loại lần hai loại bỏ nilon, các chất vô cơ còn sót lại và tiếp tục được nghiền mịn. Cuối cùng, bổ sung hàm lượng vi sinh, phối trộn với phụ gia tạo ra phân hữu cơ thành phẩm để sử dụng trong sản xuất…
Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Thiện Chí cho biết, từ khi nhà máy đi vào hoạt động, mỗi năm đã xử lý được 1.200 tấn rác. Lượng hữu cơ 60 – 65% có trong rác được xử lý hoàn toàn thành phân. Rác vô cơ 25-30% có trong rác thải được chôn lập tại hố chứa rác không phân hủy. Còn lại khoảng 5% là nilon, giấy có thể tái chế. Mùi hôi thối từ bãi rác thải đã giảm hẳn. Nước thải được thu gom và tái sử dụng hạn chế sự ô nhiễm nguồn nước.
Bình quân, mỗi tháng, nhà máy thu được sáu tấn phân hữu cơ, năm tấn nilon và giấy các loại. Sản phẩm phân hữu cơ được bán với giá 2,5 triệu đồng/tấn cho nhiều nông dân ở địa phương và các vùng lân cận sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Lê Văn Toàn, ở xã Măng Tố, huyện Tánh Linh có 4-5 ha cao-su cho biết, hàng năm ông mua từ 4 – 5 tấn phân để bón cho cao-su vào đầu mùa mưa, độ mủ cao su tăng và sản lượng cũng tăng hơn trước.
Ông Phạm Huy Vân ở thị trấn Lạc Tánh có 3 ha cao-su cũng có đánh giá tương tự. Nhiều nông dân ở huyện Hàm Thuận Nam dùng phân hữu cơ này để bón lót khi trồng mới thanh long đã nhận xét cây phát triển tốt.
Đánh giá hiệu quả của nhà máy, ông Lương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Bình Thuận cho rằng, nhà máy đã góp phần đáng kể vào công tác bảo vệ môi trường.
Hiện nay, doanh thu hàng tháng của nhà máy hơn 20 triệu đồng, trong đó thu từ bán phân hữu cơ 15 triệu đồng, còn lại năm triệu đồng thu từ nguồn rác thải có thể tái chế như nilon, giấy. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động ổn định, nhà máy cần phải bảo đảm nguồn kinh phí hơn 22 triệu đồng/tháng. Trung tâm Thiện Chí phải cấp bù 2,3 triệu đồng/tháng. Với nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp như vậy, việc duy trì để nhà máy hoạt động là sự cố gắng lớn của những người tham gia thực hiện Dự án. Vì vậy, nhà máy đang rất cần sự hỗ trợ của địa phương, nhất là chính sách về hỗ trợ chi phí xử lý rác thải của nhà nước trên địa bàn, nhằm giúp nhà máy hoạt động ổn định và lâu dài.
Mức đầu tư thấp, vận hành đơn giản, phù hợp với địa bàn dân cư ở vùng nông thôn và mang lại hiệu quả về nhiều mặt, mô hình nhà máy xử lý rác thải thành phân hữu cơ ở huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đang được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh quan tâm, đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.
 
 
Nhà máy được vận hành với bảy công nhân.
 
Theo Báo nhân dân

Các tin tiếp
Nghiên cứu cơ chế hoạt động của các tác nhân gây bệnh do nấm mốc ở rau quả   (28/10/2013)
Việc chế tạo thuốc insulin dạng viên đạt tiến bộ mới   (28/10/2013)
Mang điện mặt trời đến với nông dân   (26/9/2013)
Sản xuất năng lượng sạch từ nước thải ô nhiễm   (26/9/2013)
Tổ hợp khu hệ vi sinh vật phân hủy rơm rạ tại ruộng   (28/8/2013)
Bình Thuận: Nuôi thành công hải sâm cát   (28/8/2013)
Ứng dụng chế phẩm sinh học Chitosan trong sản xuất thanh long   (15/7/2013)
Xử lý rác thải thành phân hữu cơ, mô hình hay ở Tánh Linh   (15/7/2013)
Máy in cầm tay siêu nhỏ   (12/7/2013)
Dùng gỗ chế pin "xanh"   (21/6/2013)
Kỹ thuật nuôi Dông kết hợp Thỏ Rừng lai   (15/4/2013)
Quy trình kỹ thuật trồng cây khoai mỳ   (15/4/2013)
Hội thảo Giải pháp chong đèn hiệu quả cho thanh long trong tình hình thiếu điện   (15/4/2013)
Xử lý tình huống cứu tàu mắc cạn   (15/4/2013)
Top 10 phần mềm thiết kế brochure miễn phí   (28/3/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4836206