Tăng sức mạnh hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới   26/5/2020

BT-  Trong xây dựng nông thôn mới, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã có những đóng góp hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn mới.



 Phát huy hiệu quả hoạt động

Ông Nhữ Quốc Thích - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong cho biết, toàn huyện có 10 HTX nông nghiệp, trong đó có 5 HTX nông nghiệp ra đời ở các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy còn có khó khăn, nhưng các HTX đã có bước chuyển mình thực sự, phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, nâng cao hiệu quả kinh tế và nhất là đã thực hiện việc liên kết, bảo đảm đầu ra cho nông sản. Trên một số lĩnh vực, HTX đã mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều ngành nghề, phát triển kinh doanh tổng hợp, đầu tư trang thiết bị, nguồn vốn để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, góp phần làm thay đổi căn bản đời sống của người dân và bộ mặt nông thôn trong xây dựng nông thôn mới...

Sản xuất nông nghiệp ở Tuy Phong từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, một số vùng đất khô cằn, khó khăn chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, hiệu quả sử dụng đất được nâng lên. Theo đó, các HTX nông nghiệp đã tổ chức sản xuất bài bản gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa, đăng ký chứng nhận VietGAP, nổi bật như HTX Nông nghiệp Phước Thể, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hảo…

Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Thể - Nguyễn Văn Thương cho biết: Năm 2017, HTX nông nghiệp Phước Thể được thành lập với 38 thành viên, có số vốn kinh doanh ban đầu là 48 triệu đồng, nhưng chỉ sau 2 năm, số vốn kinh doanh của HTX đã tăng lên trên 400 triệu đồng. HTX đã kinh doanh đa lĩnh vực như sản xuất rau an toàn, cung cấp các dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa, thủy lợi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lúa, thanh long, trong đó sản xuất rau an toàn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Hoạt động của HTX ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế các thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên; tập trung đầu tư cơ sở và vận hành quy trình sản xuất khá nghiêm ngặt từ nhà lưới, phủ bạt đất, tưới phun đến kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch... Hiện nay, HTX đang sản xuất trên 1 ha rau các loại: Dền, muống, cải, mồng tơi, cà chua, dưa leo và một số loại rau gia vị. Với phương thức sản xuất gối đầu, hàng ngày lượng rau, củ, quả... liên tục được cung cấp ra thị trường. Chỉ tính riêng sản xuất 2 sào dưa leo, mặc dù điều kiện thời tiết bất lợi, tuy nhiên cây dưa leo vẫn thích nghi tốt với đồng đất, sinh trưởng mạnh, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thân cao, phần cành tốt, sai quả, trong giai đoạn thu hoạch năng suất đạt 3 tạ/ngày, giá bán ổn định tại các chợ đầu mối lớn như Phước Thể, Liên Hương… Để đảm bảo cho sự phát triển của cây trồng, HTX cũng đã sản xuất phân hữu cơ từ nguồn phân bò, gà và các phụ phẩm rau, củ, quả thân thiện môi trường, đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học để duy trì sự phát triển ổn định, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cho các sản phẩm. Tất cả các khâu sản xuất đều ghi nhật ký từng ngày và được theo dõi, cập nhật trên phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin. Ông Nguyễn Văn Thương cho biết, rau an toàn của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ đảm bảo chất lượng mà giá cả rẻ hơn ít nhất từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với rau cùng loại tại các siêu thị, cửa hàng bách hóa xanh… Mục tiêu phát triển của HTX là phát triển, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên trên 4 ha, trồng nấm bào ngư Nhật trong nhà, mở quầy hàng chuyên cung cấp rau sạch tại các chợ đầu mối; tiếp tục hướng dẫn người nông dân xây dựng các mô hình điểm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập, nhân rộng và thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, là xây dựng hoàn chỉnh nhà bảo quản, sơ chế, đóng gói để sản phẩm rau an toàn của HTX đủ điều kiện cung cấp hàng vào các siêu thị, cửa hàng bách hóa…

Cũng với cách làm năng động, ông Lê Khắc Phong - Phó Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Vĩnh Hảo cho biết: Vĩnh Hảo là vùng trồng trôm lớn nhất Bình Thuận với diện tích trên 300 ha, điều kiện khí hậu, đất đai và phương thức sản xuất đã làm sản phẩm Mủ trôm Vĩnh Hảo có chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, qua các kỳ hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm mủ trôm Vĩnh Hảo đang bộc lộ 3 điểm yếu: mẫu mã chậm thay đổi; nắm bắt nhu cầu, thị hiếu kém và dịch vụ bán hàng, hậu mãi hời hợt. Xuất phát từ sự thấu hiểu người tiêu dùng, hợp tác xã đã liên kết với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam xây dựng sản phẩm mủ trôm chất lượng cao và thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm Mủ trôm Vĩnh Hảo, bảo vệ sản phẩm tốt hơn khi vận chuyển cũng như có thể phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan ngoài thị trường, giúp cho khách hàng an tâm khi mua và sử dụng sản phẩm Mủ trôm Vĩnh Hảo. Sản phẩm mủ trôm cao cấp được đóng gói trong các bao bì đẹp, bắt mắt, trong đó ghi rõ xuất xứ nguồn gốc, thành phần dinh dưỡng. Mủ trôm cao cấp đóng gói rất tiện lợi để làm quà tặng biếu và dễ dàng đem theo trong các chuyến du lịch, trọng lượng 0,5 kg có giá 200.000 đồng. Với việc “nâng cấp” về quy trình sản xuất và mẫu mã bao bì đã làm cho giá trị sản phẩm Mủ trôm Vĩnh Hảo cao gấp 10 lần so với sản phẩm mủ trôm thông thường hiện nay nhưng vẫn đảm bảo ổn định đầu ra trên thị trường cả nước.             

Tăng sức mạnh của HTX

Trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất liên quan mật thiết đến các tiêu chí còn lại. Thực tế cho thấy, phát triển HTX không chỉ nâng cao thu nhập, tạo đầu ra sản phẩm ổn định cho nông dân mà còn góp phần chuyển dịch lao động, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn.

Mặc dù vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới đã được khẳng định, nhưng trong quá trình phát triển, các HTX vẫn gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện sản xuất, nguồn vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý và đầu ra sản phẩm… Do đó, cần dành sự quan tâm đầu tư về mọi mặt để phát triển kinh tế HTX, nhất là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để mọi người dân nhận thức đúng vai trò, nội dung và mục tiêu của hoạt động HTX trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện chính sách ưu đãi cho các HTX về thuê đất lâu dài để ổn định sản xuất, yên tâm đầu tư công nghệ tiên tiến, ưu tiên vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức; hỗ trợ tiếp cận thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nâng cao trình độ cán bộ quản lý HTX…

Nguồn:baobinhthuan.gov.vn


Các tin tiếp
Kỹ thuật trồng gừng   (3/10/2017)
Phương pháp nuôi tôm mùa mưa   (27/9/2017)
Kỹ thuật trồng cây chanh cho trái quanh năm   (21/9/2017)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc Mít Thái ra trái quanh năm   (31/8/2017)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây xanh   (15/8/2017)
Tập huấn trồng rau an toàn   (14/8/2017)
Kỹ thuật nuôi ếch   (14/4/2017)
Bắp lai đơn SK 100 cho năng suất cao trên đất Đông Tiến   (14/10/2016)
Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu   (30/9/2016)
Sử dụng sóng âm mới để sản xuất siêu vắc xin   (20/1/2016)
Giải bài toán điện cho thanh long   (28/10/2015)
Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính   (21/10/2015)
Biến rơm thành phân bón, tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng   (14/9/2015)
Ứng dụng phân hữu cơ sinh học nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng tính bền vững trong canh tác cao su   (8/7/2013)
Cẩn trọng khi chọn mua nấm linh chi   (21/6/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4836538