Bình Thuận tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch Covid-19   15/5/2020

(binhthuan.gov.vn) Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid 19 là rất lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, báo cáo khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.



Nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải. Vấn đề mà hầu hết doanh nghiệp bị ảnh hưởng đang gặp phải là doanh thu không đủ bù chi phí dẫn tới không đủ kinh phí để trả lương cho người lao động, để thực hiện các nghĩa vụ tài chính như thuế, bảo hiểm, lãi suất, nợ ngân hàng,...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... bị đình trệ do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại. Sản lượng xuất khẩu sụt giảm, trong khi giá bán tăng giảm do các doanh nghiệp bị cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Các ngành may mặc, giày dép, chế biến hải sản... cũng găp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất. Nhiều doanh nghiệp nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới khiến các doanh nghiệp khó giữ được tình hình sản xuất kinh doanh. Riêng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trong giai đoạn tháng 2 và tháng 3 vừa qua, chủ yếu sản xuất dựa trên nguồn nguyên liệu dự trữ, tuy nhiên bắt đầu từ tháng 4 trở đi cũng sẽ gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; đồng thời khó khăn về thị trường xuất khẩu do các thị trường châu Âu, Mỹ đều bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 08/5/2020, toàn tỉnh có 95 doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngừng hoạt động; hơn 4,7 nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm nghỉ. Hơn 27 nghìn lao động bị ngừng việc, trong đó, số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 4.791 người. Số lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm là hơn 15,5 nghìn người.

Tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh đang triển khai mọi biện pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận, các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn phù hợp với tình hình. Trước mắt, các Tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới, khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay hiện nay,... Tính đến ngày 29/4/2020, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi vay cho 81 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 141 triệu đồng, cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ gần 920 tỷ đồng với hơn 1,5 nghìn khách hàng, cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch hơn 1,4 nghìn tỷ đồng/ 820 khách hàng.

Theo Sở Công Thương, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh này, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, các dự án sản xuất ngành công nghiệp, các công trình điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tổ chức thị trường, lưu thông hàng hóa; theo dõi diễn biến thị trường, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo áp dụng các biện pháp nhằm bình ổn thị trường, giá cả; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nhất là xuất khẩu thanh long,...

Thông tin từ Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa trong thời gian tới, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, các dự án sản xuất ngành công nghiệp, các công trình điện mặt trời, điện gió… trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản địa phương, tránh tình trạng ứ đọng cục bộ, kịp thời thông báo tình hình đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tốt hệ thống phân phối, kết nối thu mua nông sản giữa các doanh nghiệp, địa phương và bà con nông dân trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, cân đối nguồn nước để bố trí sản xuất cho hợp lý; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết; sớm áp dụng và triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao.

Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động xây chương trình, kế hoạch sau dịch Covid-19 để góp phần đưa ngành du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của tỉnh. Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng”, giữ vững thương hiệu du lịch Bình Thuận. Chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển các loại hình du lịch mới, hấp dẫn; đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách; hưởng ứng tích cực chương trình kích cầu nội địa.

TT Dân

                                                                              Nguồn: https://binhthuan.gov.vn/


Các tin tiếp
Sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 17 nghìn tấn   (15/5/2020)
Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2: Nhiều việc cấp bách cần làm để chống hạn   (8/5/2020)
4 tháng đầu năm 2020: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định   (6/5/2020)
Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2020   (6/5/2020)
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Ngân hàng (cơ sở dữ liệu) tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh   (6/5/2020)
Bình Thuận: Ban hành quyết định công bố chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh   (5/5/2020)
Đảm bảo thị trường hoạt động ổn định xuyên suốt thời gian phòng, chống dịch COVID-19   (4/5/2020)
Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực sau hơn 2 năm thực hiện giải pháp cấp bách chống khai thác IUU   (4/5/2020)
Sẽ sớm có giải pháp phục hồi nền kinh tế   (4/5/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2020   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2019   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2018 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2017 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2016   (7/4/2020)
Bình Thuận thu ngân sách trong Quý I năm 2020 đạt 2.712 tỷ đồng   (6/4/2020)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4844521