Gắn kết để phát triển nước mắm truyền thống   27/11/2020

BT- Sau 3 năm vận động, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam với 117 hội viên vừa được thành lập ngày 27/10. Nhiều thành viên trong hiệp hội đã thành công trong việc đưa nước mắm truyền thống Việt Nam xuất khẩu, bán ở siêu thị nước ngoài. Phóng viên Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với ông Trương Quang Hiến – Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam xung quanh vấn đề này.



Ông cho biết tình hình sản xuất nước mắm truyền thống ở tỉnh, đặc biệt vừa qua Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam chính thức thành lập có ý nghĩa như thế nào đối với nước mắm truyền thống?

Ông Trương Quang Hiến: Hiệp hội Nước mắm truyền thống Phan Thiết (Hiệp hội) hiện nay có 44 hội viên, trong đó có 6 công ty cổ phần, 19 công ty TNHH, 5 doanh nghiệp tư nhân, 12 cơ sở sản xuất và 2 hội viên danh dự. Hiện mỗi năm Hiệp hội sản xuất ra khoảng trên 20 triệu lít nước mắm thành phẩm. Sản phẩm chủ yếu là bán cho các tập đoàn MaSan chiếm 70%, còn lại 30% là các doanh nghiệp đóng chai phân phối ra thị trường và phục vụ khách du lịch. Có 2 doanh nghiệp xuất khẩu nhưng sản lượng chưa nhiều chủ yếu là nước mắm thấp đạm. Việc tiêu thụ sản phẩm nước mắm không gặp trở ngại gì, tuy nhiên việc bán sản phẩm như vậy giá trị sản phẩm không cao, lợi nhuận từ sản xuất thấp.

Năm 2016, xảy ra thông tin sai sự thật của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về việc nước mắm truyền thống bị nhiễm Arsen vượt ngưỡng, gây ung thư cho người sử dụng làm ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống. Từ năm 2017, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống trên cả nước đã thành lập Ban vận động, đồng thời xin phép Nhà nước cho thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, nhằm tạo tiếng nói chung và bảo vệ nghề sản xuất nước mắm truyền thống. Tại Hà Nội, cuối tháng 10 vừa qua Ban vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam tổ chức thành công đại hội ra mắt Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam với 117 hội viên tham gia trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó Bình Thuận có 23 hội viên tham dự. Nhiệm kỳ 2020 – 2025 là giai đoạn khởi đầu có nhiều thách thức với Hiệp hội trong sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống Việt Nam.  Tôi mong rằng, toàn thể hội viên, doanh nghiệp tăng cường đoàn kết, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và các chương trình hoạt động của nhiệm kỳ đầu tiên. Cùng chung sức xây dựng Hiệp hội ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần đưa ngành sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững. 

Được biết, ông đại diện Hiệp hội Nước mắm truyền thống khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng tham gia Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, điều này có giúp ích gì cho nước mắm truyền thống của tỉnh trong chặng đường tới?

Ông Trương Quang Hiến: Đại hội Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành (BCH) 21 người, Ban Thường vụ 7 người, Ban Kiểm tra 3 người. Đại hội đã bầu 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch phụ trách 3 miền Bắc, Trung, Nam và 1 Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký. Phan Thiết có 2 người tham gia vào BCH, trong đó có tôi là Phó Chủ tịch Hiệp hội phụ trách miền Trung và 1 hội viên. Được tham gia vào Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng. Bình Thuận là tỉnh duyên hải miền Trung, được thiên nhiên ưu đãi mưa thuận gió hòa, biển có nhiều cá, tôm ngon phục vụ cho nghề sản xuất nước mắm. Tham gia vào BCH Hiệp hội tôi được thay mặt cho toàn thể doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống của địa phương để kiến nghị đến Nhà nước ban hành các chính sách hợp lý. Từ đó, đảm bảo những điều kiện cần thiết để phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường, giảm bớt rủi ro cho cộng đồng doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống cũng như ngư dân. Đồng thời, tham gia vào xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước mắm trong nước và quốc tế.

Trong điều kiện hiện nay, sự cạnh tranh nước mắm công nghiệp thì các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống của tỉnh phải làm gì phát triển bền vững?

Ông Trương Quang Hiến: Trong điều kiện hiện nay, sự cạnh tranh của các loại nước mắm công nghiệp thì các hội viên, doanh nghiệp phải đoàn kết hỗ trợ nhau để tăng khả năng và cơ hội tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn tài trợ hoặc đầu tư tài chính lãi suất thấp, thời gian vay dài. Liên kết chặt chẽ với nhau và với các đối tác trong toàn chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng từ các khâu đầu vào như khai thác cá, thu mua cá, muối, xử lý môi trường tới các khâu đầu ra như đóng chai, vận chuyển, xuất nhập khẩu phân phối dịch vụ bán buôn, bán lẻ tại các đô thị trong nước và các thị trường tiềm năng quốc tế như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn quốc, Úc và ASEAN…hội viên, doanh nghiệp sản xuất nước mắm nắm bắt cơ hội để thay đổi bằng cách tham gia các khóa học trong và ngoài nước về kỹ thuật sản xuất, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ.

Song song đó, đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm duy trì ổn định và tính đặc trưng truyền thống của sản phẩm nước mắm các vùng miền. Tham gia vào xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nước mắm để kiến nghị và chủ động làm việc với các cơ quan có thẩm quyền trong nước và Ủy ban tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế Codex để rà soát lại các tiêu chuẩn về nước mắm cho phù hợp với nước mắm truyền thống Việt Nam. Từ đó, loại bỏ rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu nước mắm có độ đạm cao.

Xin cảm ơn ông!

THANH DUYÊN (thực hiện)

Theo baobinhthuan.com.vn


Các tin tiếp
Sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 17 nghìn tấn   (15/5/2020)
Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2: Nhiều việc cấp bách cần làm để chống hạn   (8/5/2020)
4 tháng đầu năm 2020: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định   (6/5/2020)
Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2020   (6/5/2020)
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Ngân hàng (cơ sở dữ liệu) tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh   (6/5/2020)
Bình Thuận: Ban hành quyết định công bố chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh   (5/5/2020)
Đảm bảo thị trường hoạt động ổn định xuyên suốt thời gian phòng, chống dịch COVID-19   (4/5/2020)
Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực sau hơn 2 năm thực hiện giải pháp cấp bách chống khai thác IUU   (4/5/2020)
Sẽ sớm có giải pháp phục hồi nền kinh tế   (4/5/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2020   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2019   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2018 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2017 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2016   (7/4/2020)
Bình Thuận thu ngân sách trong Quý I năm 2020 đạt 2.712 tỷ đồng   (6/4/2020)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4836480