Bình Thuận đạt mức tăng trưởng GRDP 4,54%   4/1/2021

(binhthuan.gov.vn) Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2020 của tỉnh ước đạt 4,54%. Đây là kết quả đáng khích lệ của tỉnh Bình Thuận trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.



Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 19/63 cả nước

Chiều 28/12/2020, Cục Thống kê tỉnh đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2020. Ông Phạm Quốc Hùng - Cục Trưởng Cục Thống kê tỉnh chủ trì buổi họp báo. Tại buổi họp báo, Cục Thống kê tỉnh cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh diễn ra trong bối cảnh có nhiều bất lợi, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi tình trạng thời tiết cực đoan, đặc biệt là dịch COVID-19 đã bùng phát và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trước những tác động tiêu cực này, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2020 ước tăng 4,54% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 19/63 cả nước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.

 

 

Trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản tăng 2,24%, đóng góp 0,67 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,01%, đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp giảm 0,7%, dẫn đến tỷ trọng đóng góp giảm 0,01%; ngành thủy sản tăng 1,13%, đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,36% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,82% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp đóng góp 3,31 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành xây dựng đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Ngành dịch vụ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do COVID-19, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Kết thúc năm 2020, dự ước lượng khách du lịch đến tỉnh giảm 48,57% so với cùng kỳ năm 2019, riêng lượng khách quốc tế đến tỉnh giảm 77,88% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động du lịch dự ước đạt 9.400,4 tỷ đồng, giảm 38,16% so với cùng kỳ năm trước.

Tác động tiêu cực của dịch bệnh đã khiến khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng âm, giảm 0,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2016-2020. Nhóm ngành dịch vụ đóng góp giảm 0,3 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2020. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 28,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,27%; khu vực dịch vụ chiếm 32,19%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,58%.

GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 66,2 triệu đồng/người/năm, tương đương 2.865 USD (tăng 123 USD so với năm 2019); năng suất lao động tiếp tục có sự cải thiện đáng kể, ước năm 2020 đạt 116,1 triệu đồng/người/năm, tăng 5,2% so với năm 2019.

Ngành công nghiệp tăng trưởng khá so với mặt bằng chung

Công nghiệp là nhóm ngành tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang được thi công nên sản lượng khai thác cát, sỏi và đá xây dựng vẫn tiếp tục tăng, kéo theo sự tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp khai khoáng. Nhóm ngành sản xuất, phân phối điện, nước nóng, hơi nước ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhờ đó đã tiếp tục đóng góp cao vào giá trị sản xuất công nghiệp.

Dự ước cả năm 2020, chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 13,94% so với năm 2019, trong đó: Ngành khai khoáng tăng 14,08%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhẹ 0,19%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 17,84%; ngành cung cấp nước hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,93%.

Theo kết quả điều tra khảo sát do Cục Thống kê tỉnh thực hiện về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy: Có đến 37,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý IV/2020 tốt hơn quý III/2020; có 34,29% số doanh nghiệp cho rằng ổn định; 28,57% số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất gặp khó khăn.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp còn cho thấy, đánh giá về các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV/2020 so với quý III/2020, các nguyên nhân chủ yếu được doanh nghiệp đưa ra là do: Thiếu nguyên, nhiên vật liệu; nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp; không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; gặp khó khăn về tài chính; do lãi suất vay vốn cao… ./.

Nguồn:binhthuan.gov.vn


Các tin tiếp
Sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 17 nghìn tấn   (15/5/2020)
Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2: Nhiều việc cấp bách cần làm để chống hạn   (8/5/2020)
4 tháng đầu năm 2020: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định   (6/5/2020)
Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2020   (6/5/2020)
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Ngân hàng (cơ sở dữ liệu) tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh   (6/5/2020)
Bình Thuận: Ban hành quyết định công bố chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh   (5/5/2020)
Đảm bảo thị trường hoạt động ổn định xuyên suốt thời gian phòng, chống dịch COVID-19   (4/5/2020)
Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực sau hơn 2 năm thực hiện giải pháp cấp bách chống khai thác IUU   (4/5/2020)
Sẽ sớm có giải pháp phục hồi nền kinh tế   (4/5/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2020   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2019   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2018 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2017 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2016   (7/4/2020)
Bình Thuận thu ngân sách trong Quý I năm 2020 đạt 2.712 tỷ đồng   (6/4/2020)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4844513