Chú trọng đổi mới, đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp   4/1/2021

(binhthuan.gov.vn) Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Qua 03 năm thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, mặc dù còn nhiều khó khăn, đến nay kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp mà nòng cốt là Hợp tác xã đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và có bước phát triển khởi sắc, nhiều Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tự chủ được tài chính, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng, linh hoạt theo cơ chế thị trường…



Góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Năm 2017, thời điểm trước khi thực hiện Quyết định 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ toàn tỉnh có 02 Liên hiệp Hợp tác xã và 103 Hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có 98 Hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động và 05 Hợp tác xã tạm ngưng hoạt động chờ giải thể.

Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ, các sở ngành liên quan và các địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả. Hiện nay, toàn tỉnh có 150 Hợp tác xã nông nghiệp, gồm 28 Hợp tác xã nông nghiệp, 8 Hợp tác xã chăn nuôi, 20 Hợp tác xã thủy sản, 01 Hợp tác xã diêm nghiệp, 01 Hợp tác xã nước sạch và 92 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 03 năm thực hiện Quyết định số 46 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Hợp tác xã đã tự chủ được nguồn tài chính tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh đa dạng, linh hoạt theo cơ chế thị trường, chức năng quản lý và điều hành trong Hợp tác xã được phân định rõ ràng, bộ máy tinh giảm gọn nhẹ và phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, số Hợp tác xã tham gia chương trình OCOP có các sản phẩm được nâng cấp, hoàn thiện hơn về chất lượng. 

Số lượng Hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao tính là 17 Hợp tác xã đạt 94,44 % so với chỉ tiêu được giao là 18 Hợp tác xã. Một số Hợp tác xã điển hình như: Hợp tác xã muối Thanh Phong áp dụng công nghệ cơ giới hóa trong sơ chế muối; Hợp tác xã thanh long Hòa Lệ, Hợp tác xã Thanh Bình trồng thanh long theo quy trìnhVietGAP; Hợp tác xã thanh long Hàm Đức áp dụng công nghệ lên men để sản xuất rượu vang thanh long; Hợp tác xã Công nghệ cao Bình Minh áp dụng công nghệ nhà lưới có hệ thống điều khiển bán tự động trong trồng dưa lưới… Ngoài ra, số lượng Hợp tác xã thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh là 56 Hợp tác xã, chủ yếu thuộc các lĩnh vực trồng trọt và thủy sản. Số Hợp tác xã sở hữu sản phẩm OCOP theo dự kiến đến tháng 12/2020 là 19 Hợp tác xã.

Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc) là 1 trong ít Hợp tác xã trong tỉnh xuất được hàng sang châu Âu. Thành lập từ năm 2016, với diện tích sản xuất lúc ấy chỉ 31 ha. Đến nay, với sự hỗ trợ của dự án Mutrap do Liên minh châu Âu tài trợ, diện tích thanh long đã mở rộng hơn 70 ha và đã tổ chức tham gia hội chợ quốc tế trái cây rau củ quả tại Trung tâm triển lãm Berlin (Đức). Từ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến đã từng bước hướng dẫn nông dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ký kết nhiều hợp đồng tiêu thụ sang các thị trường khó tính Mỹ, Úc, châu Âu… với tổng sản lượng từ 750 - 1.000 tấn/năm, giúp nông dân ổn định thu nhập, cải thiện đời sống.

Tại huyện Bắc Bình, hiện nay có 22 Hợp tác xã Nông nghiệp, trong đó có 9 Hợp tác xã chuyển đổi hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012, 13 Hợp tác xã thành lập mới và 02 quỹ tín dụng trên địa bàn huyện. Theo ông Huỳnh Duy Khôi - Phó Chủ tịch UBND huyện, hoạt động của các Hợp tác xã trong thời gian qua có những đóng góp tích cực trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên địa bàn huyện, đồng thời tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội và thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Có thể khẳng định rằng, kinh tế tập thể ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nông thôn.

Thực hiện đổi mới, phát triển Hợp tác xã nông nghiệp

Có thể thấy công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể thời gian qua luôn được tỉnh Bình Thuận quan tâm chỉ đạo và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà. 

Theo nhận định của UBND tỉnh, bài học kinh nghiệm để phát triển kinh tế tập thể, mà trọng tâm là các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Hợp tác xã làm cho mọi người dân, các tầng lớp xã hội hiểu biết đầy đủ hơn vai trò, vị trí của Hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các Hợp tác xã phải nỗ lực tự vươn lên từ nội lực của chính mình, có định hướng hoạt động đúng và phù hợp, không trông chờ, ỷ lại. Cùng với đó, các Hợp tác xã phải chú trọng, tập trung vào các hoạt động kinh tế, xây dựng tiềm lực kinh tế, cơ sở vật chất, kỹ thuật và nâng cao kỹ năng điều hành, quản lý; hoạt động kinh doanh hiệu quả. Đội ngũ cán bộ chủ chốt phải là những người có năng lực, tâm huyết và gắn bó với sự nghiệp phát triển Hợp tác xã.

Trong thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục tuyên truyền về bản chất của kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã kiểu mới; đồng thời quán triệt cho các Hợp tác xã nhận thức rõ ràng về cơ chế tự nguyện, quản lý dân chủ, bình đẳng theo Luật hợp tác xã 2012. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý Hợp tác xã, các thành viên, người sáng lập khởi nghiệp Hợp tác xã nhằm trang bị kiến thức quản trị kinh doanh đảm bảo điều hành hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ thí điểm mô hình đưa các bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các Hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra, ngành đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp lớn tham gia liên kết cùng hợp tác xã nông nghiệp nhằm tạo động lực chuyển đổi hoạt động của các Hợp tác xã để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Theo Kế hoạch Phát triển kinh tế tập thể của tỉnh Bình Thuận, năm 2021, tỉnh phấn đấu thành lập mới 10 Hợp tác xã; doanh thu các Hợp tác xã tăng bình quân 5%/năm; đồng thời, tập trung trẻ hóa và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý Hợp tác xã, phấn đấu có 40% Hợp tác xã hoạt động hiệu quả…

 Nguồn: baobinhthuan.gov.vn

 

 


Các tin tiếp
Sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 17 nghìn tấn   (15/5/2020)
Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2: Nhiều việc cấp bách cần làm để chống hạn   (8/5/2020)
4 tháng đầu năm 2020: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định   (6/5/2020)
Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2020   (6/5/2020)
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Ngân hàng (cơ sở dữ liệu) tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh   (6/5/2020)
Bình Thuận: Ban hành quyết định công bố chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh   (5/5/2020)
Đảm bảo thị trường hoạt động ổn định xuyên suốt thời gian phòng, chống dịch COVID-19   (4/5/2020)
Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực sau hơn 2 năm thực hiện giải pháp cấp bách chống khai thác IUU   (4/5/2020)
Sẽ sớm có giải pháp phục hồi nền kinh tế   (4/5/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2020   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2019   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2018 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2017 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2016   (7/4/2020)
Bình Thuận thu ngân sách trong Quý I năm 2020 đạt 2.712 tỷ đồng   (6/4/2020)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4847196