Phát triển ngành năng lượng hướng đến sự bền vững, đa dạng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa   25/3/2021

Từ năm 2016 đến nay, ngành năng lượng tại Bình Thuận đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Với định hướng phát triển ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận đang từng bước đa dạng hóa các nguồn năng lượng, tạo điều kiện thuận lợi và tích cực triển khai các dự án để sớm đưa địa phương trở thành Trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia.



Trong giai đoạn vừa qua, Bình Thuận đã tập trung triển khai đầu tư hoàn thành các dự án năng lượng theo đúng quy hoạch đã được duyệt. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 42 nhà máy điện đang hoạt động với tổng công suất 6.225 MW (gồm: 04 nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm điện lực Vĩnh Tân; 07 nhà máy thủy điện; 01 nhà máy điện diesel đảo Phú Quý; 04 nhà máy điện gió và 26 nhà máy điện mặt trời). Tổng sản lượng điện thiết kế hơn 31 tỷ kWh/năm. Với quy mô ngày càng phát triển, ngành công nghiệp điện, năng lượng của tỉnh đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà cũng như đảm bảo cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Kết thúc năm 2020, GRDP của tỉnh Bình Thuận đạt mức tăng trưởng 4,54%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên với những tác động nặng nề từ dịch COVID-19, kết quả trên hoàn toàn đáng khích lệ. Trong mức tăng chung, chỉ riêng ngành công nghiệp đã đóng góp đến 3,31 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng một cách ổn định của lĩnh vực công nghiệp đã giúp Bình Thuận duy trì đà tăng trưởng, không rơi vào tăng trưởng âm trước tác động của dịch COVID-19. Nhóm ngành sản xuất và phân phối điện có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Sản lượng điện sản xuất tháng 12 ước đạt 2.477 triệu kWh, tăng 16,32% so với cùng kỳ năm trước, dự ước cả năm 2020 đạt 31.569 triệu kWh, tăng 17,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lĩnh vực đóng góp chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng về giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tại địa phương, trong đó, nhiệt điện đóng góp sản lượng điện cao nhất với 82,86%. 

Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân hiện đang vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với tổng công suất 1.244 MW. Vào giữa tháng 06/2019, Công ty đã chính thức đưa vào vận hành phát điện thương mại Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2. Đây là Dự án Điện mặt trời đầu tiên tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân với quy mô công suất 42,65 MWp. Về hoạt động sản xuất, Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân cho biết: Năm 2020, tổng sản lượng điện sản xuất của công ty đạt trên 7,8 tỷ kWh. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đạt 7,77 tỷ kWh, Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 đạt trên 47,7 triệu kWh. Trong năm, công ty đã đóng góp vào nguồn thu ngân sách và nộp thuế tại địa phương hơn 600 tỷ đồng. 

Đánh giá về sự phát triển của ngành năng lượng, ông Hà Lê Thanh Chung - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết: Trong năm 2020, Bình Thuận đã hoàn thành, đóng điện 01 dự án điện gió, 05 dự án điện mặt trời. Các công trình lưới điện quan trọng như: Đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân; Trạm biến áp 220 kV Phan Rí; Cải tạo đường dây 110 kV Ninh Phước - Tuy Phong - Phan Rí; Đường dây 02 mạch 110 kV Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng… Nhờ đó, điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 2,5 tỷ kWh, tổng số hộ dân có điện đạt tỷ lệ 99,75%.

Trong giai đoạn tới, Bình Thuận đang từng bước đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện phù hợp với định hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Trước mắt, địa phương sẽ phát huy những kết quả đã đạt được, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng điện mặt trời, điện gió, điện khí, các công trình truyền tải điện.

Ông Hà Lê Thanh Chung - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương cho biết thêm: Ngành Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương bổ sung danh mục các dự án điện gió, điện khí, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và các công trình trạm biến áp 500 kV, 220 kV trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 (Quy hoạch điện VIII) làm cơ sở thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện. Đồng thời, Sở Công Thương sẽ phối hợp, hỗ trợ ngành điện triển khai thi công các công trình đường dây và trạm biến áp truyền tải điện và phân phối điện để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng công suất, phát huy năng lực của các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn./.

Nguồn: binhthuan.gov.vn


Các tin tiếp
Sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 17 nghìn tấn   (15/5/2020)
Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2: Nhiều việc cấp bách cần làm để chống hạn   (8/5/2020)
4 tháng đầu năm 2020: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định   (6/5/2020)
Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2020   (6/5/2020)
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Ngân hàng (cơ sở dữ liệu) tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh   (6/5/2020)
Bình Thuận: Ban hành quyết định công bố chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh   (5/5/2020)
Đảm bảo thị trường hoạt động ổn định xuyên suốt thời gian phòng, chống dịch COVID-19   (4/5/2020)
Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực sau hơn 2 năm thực hiện giải pháp cấp bách chống khai thác IUU   (4/5/2020)
Sẽ sớm có giải pháp phục hồi nền kinh tế   (4/5/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2020   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2019   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2018 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2017 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2016   (7/4/2020)
Bình Thuận thu ngân sách trong Quý I năm 2020 đạt 2.712 tỷ đồng   (6/4/2020)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4846384