Chủ động sản xuất lúa vụ mùa năm 2013   12/8/2013

Trong sản xuất lúa thì vụ mùa là vụ khó khăn nhất trong năm bởi: thời tiết bất lợi, thời vụ không đảm bảo, sâu bệnh cỏ dại diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện tượng ngộ độc hữu cơ xảy ra trên diện rộng. Chi phí đầu tư cao, ngược lại năng suất lại thấp, cho nên bà con nông dân trồng lúa không có lợi nhiều, thậm chí lỗ vốn.



Để đảm bảo cho vụ lúa mùa thắng lợi, chúng ta cần chủ động giải quyết tốt mấy vấn đề sau:
1. Về thời vụ:
Theo kế hoạch sản xuất của Sở Nông nghiệp & PTNT, lịch gieo cấy vụ mùa:
- Đối với lúa vùng không chủ động nước, thời vụ gieo trồng từ 01/07- 30/07/2013.
- Đối với vùng chủ động nước thì thời vụ gieo trồng từ 01/07 và kết thúc vào 15/08/2013, chậm nhất 30/08/2013, đảm bảo cách ly 15-20 ngày.
Lưu ý:
Nếu vụ mùa gieo trồng trễ qua tháng 9 thì lúa sẽ trổ vào thời tiết bất lợi do hạn không khí ở tháng 11- tháng 12 nên tỉ lệ lép sẽ rất cao, dẫn đến năng suất sẽ giảm nhiều.
Mặc khác, đối với vùng có sản xuất lúa Đông Xuân 2013-2014 sẽ bị trễ vụ và chính vấn đề này dẫn đến lúa Đông Xuân lúa sẽ trổ vào tháng 3 năm sau rất bất lợi, thiếu nước cuối vụ, hạn không khí, trùng với mùa gió chướng lại làm giảm năng suất vụ Đông Xuân tiếp.
2. Về cơ cấu giống lúa:
 Căn cứ vào thực tiễn địa phương mà sử dụng các giống đã được Sở Nông nghiệp & PTNT cho phép: ML48, TH6, ML202, ML214, AS 996, tập đoàn OM, IR 62032, OMCS 2000, VND 95-20 v.v.
 Chú ý: phải sử dụng giống xác nhận, mỗi cánh đồng nên bố trí từ 2-3 giống chủ lực, mỗi loại giống chiếm 30-35% diện tích để hạn chế dịch hại, đặc biệt là rầy nâu.
3. Về mật độ gieo sạ:
Lượng giống khuyến cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT từ 120-150 kg/ha, không gieo sạ quá dày.
4. Xử lý và khắc phục vấn đề ngộ độc hữu cơ:
Đây là vụ mà ngay từ đầu vụ (từ khi gieo đến 15-20 ngày) cây lúa đã bị ngộ độc hữu cơ, bởi do mùa vụ gấp, nên không thể để ruộng ải được và cũng không đảm bảo được thời gian cách ly giữa 2 vụ theo quy định (cách ly thời gian bỏ ải ruộng từ 15-20 ngày sau thu hoạch). Tình trạng gặt ngày hôm nay thì ngày mai, ngày kia đã tiến hành làm đất và 2 đến 3 ngày sau đã gieo sạ xong.
Nguồn rơm rạ, gốc lúa còn tươi, chưa kịp phân hủy đã bị vùi xuống và gieo sạ lên trên, nên khi rễ lúa đâm xuống là gặp ngộ độc hữu cơ. Một thực tế là các trà lúa sau khi gieo sạ 5-10 ngày nhổ lên bộ rễ bị vàng (ngộ độc nhẹ) thậm chí bị đen và có mùi thối khó chịu (ngộ độc nặng).
Thực tế qua 2 vụ mùa (năm 2011 và năm 2012), chúng tôi đã tiến hành khuyến cáo làm trình diễn cho một số bà con nông dân ở huyện Bắc Bình, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc xử lý rất thành công vấn đề ngộ độc hữu cơ. Cách làm là bón phân đợt 1 vào thời điểm 7-10 sau sạ bằng 4 loại phân sau:
- Lân Long Thành hạt (30-40kg) + Ure (7-10) + Kali (1-2 kg) cho 1.000m2 .
- Lân Phosphorite (30-40 kg) + Ure và Kali theo lượng trên.
-  Lân vôi Địa Long ( 25-30 kg) + Ure và Kali theo lượng trên.
-  Vôi trung vi lượng Humix ( 30-40 kg) + U re và Kali theo lượng trên.
Tất cả các loại phân này có ưu điểm tốt: Khi trộn với Ure và Kali không phản ứng (chảy nước), dễ bón, bón đều. Ngoài ra, các loại phân trên còn cung cấp các chất trung vi lượng cần thiết cho cây lúa: CaO, MgO, S, SiO2, Bo. Zn, Cu, Fe, Mn v.v.  Sau khi bón từ 5-7 ngày lúa sinh trưởng phát triển tốt đẻ nhánh nhiều và khác biệt hoàn toàn với cách bón theo tập quán cũ trước đây.
5. Bón phân cho lúa vụ mùa:
Nếu bà con nông dân đã bón lần 1 theo quy trình trên thì:
- Bón lần 2:
 Sau khi sạ 18-22 ngày, lúc này chỉ cần bón Ure (7-10 kg) + Kali (3-4 kg)/ sào.
- Bón lần 3:
Sau khi sạ 38-42 ngày, lúc này bón Ure (6-8 kg) + Kali (4-5 kg)/ sào.
Nếu giai đoạn lúa gần trổ, cây lúa có triệu chứng thiếu phân đạm thì chỉ cần bổ sung 1-2 kg Ure cho 1 sào hoặc phun phân bón lá .
6. Quản lý cỏ hại:
- Vùng chủ động nước, hệ thống thủy lợi tốt, thời tiết thuận lợi, thì sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như Sofit, Bigsonfit, Map Famix.
- Nếu thời tiết mưa nhiều, thủy lợi khó khăn thì sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm: Bele 620 DD, Moninee, Supershort v.v.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc trừ cỏ phải theo nguyên tắc 4 đúng, đặc biệt quan tâm là trước và sau khi phun ruộng phải có nước, nếu không hiệu quả sẽ không cao.
7. Quản lý các loại dịch hại:
Đây là vụ có nhiều dịch hại: Ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh vi khuẩn khô đầu lá lúa, bệnh khô vằn, lem lép v.v. cho nên phải chủ động thăm đồng thu và áp dụng IPM, trong đó thuốc BVTV thì phải sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng, lưu ý sư dụng thuốc đặc hiệu cho từng loại dịch hại.
8. Thu hoạch:
Khi lúa đã đạt độ chín hình thái 90-95% thì thu hoạch ngay để chống thất thoát lúc gặt. Riêng đối với vùng sản xuất vụ Đông Xuân 2013-2014 vì áp lực thời vụ có thể thu hoạch khi độ chín đạt 85-90% là tốt.
 
                                                                                                                                                                                                KS. Trần Minh Tân
                                                                                                                                                                                                KS. Trần Thị Hoài Anh

Các tin tiếp
Thoát vị đĩa đệm   (23/11/2015)
Dụng cụ diệt ruồi vàng   (18/11/2015)
TÓM TẮT QUY TRÌNH XỬ LÝ CÀNH, QUẢ THANH LONG BỊ BỆNH   (28/10/2015)
SĂN SÓC ĐIỀU DƯỠNG   (26/10/2015)
Sản xuất khung xe đạp bằng tre   (26/9/2015)
Nhận biết và phòng tránh chấn thương sọ não ở trẻ em   (22/9/2015)
Làm thế nào để hạn chế tai biến điều trị xảy ra trong bệnh viện   (8/4/2014)
Hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh hạn chế dịch bệnh   (28/10/2013)
Hạn chế rụng trái non trên cây ăn trái   (26/9/2013)
Chủ động sản xuất lúa vụ mùa năm 2013   (12/8/2013)
Kỹ thuật sử dụng một số loại phân mới cho sản xuất đậu phụng vụ mùa 2013   (12/8/2013)
Công nghệ xử lý nước nhiễm Asen và kim loại nặng   (15/7/2013)
Lưu ý khi nuôi cá nước ngọt   (12/7/2013)
Nuôi cá thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp   (24/6/2013)
Công nghệ xây dựng mới: Nhanh hơn - rẻ hơn   (28/3/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4833005