Bình Thuận tập trung tái đàn lợn gắn với chăn nuôi an toàn sinh học   22/5/2020

(binhthuan.gov.vn) Dịch bệnh tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, 100% các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã được công bố hết dịch, việc tái đàn khôi phục sản xuất là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm lợn thịt của người dân. Để tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh quản lý, giám sát chặt chẽ việc tái đàn lợn trên địa bàn, bảo đảm các điều kiện an toàn về nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh.



Từ khi ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đầu tiên tại xã Gia An, huyện Tánh Linh vào ngày 01/6/2019, đến ngày 22/10/2019, đã phát sinh tổng cộng 47/47 xã, phường, thị trấn thuộc 06 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tính đến hết ngày 31/12/2019, toàn tỉnh buộc phải tiêu hủy gần 42 nghìn con lợn với trọng lượng trên 2.600 tấn.

Nhờ nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch, từ ngày 01/01/2020 đến nay, tất cả các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã không phát sinh và xuất hiện ổ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đến ngày 06/4/20120, tất cả 47/47 xã, phường, thị trấn có xảy ra dịch tả lợn Châu Phi đều đã có Quyết định công bố hết dịch. Tổng kinh phí chi trả cho các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi trong năm 2019 hơn 80 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay dịch bệnh lại tái bùng phát lại sau 30 ngày tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, giá heo hơi đang tăng cao, công tác tái đàn nhanh, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn rất hạn chế ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 31/3/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là 324.234 con. Để kịp thời định hướng, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động ban hành nhiều văn bản triển khai tới cấp cơ sở. Trong đó, bao gồm các nội dung nhiệm vụ theo sát tình hình diễn biến thực tế, hướng dẫn khôi phục sản xuất chăn nuôi lợn và tăng cường các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển ổn định đàn lợn, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo việc tăng đàn tại chỗ ở các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở bảo đảm nguồn con giống chất lượng trại sẵn có và nguồn giống tự sản xuất. Đồng thời, khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại an toàn sinh học, VietGap, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; không khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô nông hộ, nhỏ lẻ.

Đồng thời, Sở đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức, phối hợp cùng với các Doanh nghiệp, các Trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cung ứng con giống đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh, đặc biệt là lợn đực, nái giống cho các hộ dân có nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tập trung hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi tình hình trên đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn…

Trong năm 2020, tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu phát triển đàn lợn 292.500 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 59 nghìn tấn. Để đạt mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi đẩy mạnh việc tái đàn lợn, tăng đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng kế hoạch tái đàn phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm cân đối đủ nguồn cung - cầu về thịt lợn.

Nguồn:binhthuan.gov.vn


Các tin tiếp
Kỹ thuật trồng gừng   (3/10/2017)
Phương pháp nuôi tôm mùa mưa   (27/9/2017)
Kỹ thuật trồng cây chanh cho trái quanh năm   (21/9/2017)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc Mít Thái ra trái quanh năm   (31/8/2017)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây xanh   (15/8/2017)
Tập huấn trồng rau an toàn   (14/8/2017)
Kỹ thuật nuôi ếch   (14/4/2017)
Bắp lai đơn SK 100 cho năng suất cao trên đất Đông Tiến   (14/10/2016)
Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu   (30/9/2016)
Sử dụng sóng âm mới để sản xuất siêu vắc xin   (20/1/2016)
Giải bài toán điện cho thanh long   (28/10/2015)
Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính   (21/10/2015)
Biến rơm thành phân bón, tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng   (14/9/2015)
Ứng dụng phân hữu cơ sinh học nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng tính bền vững trong canh tác cao su   (8/7/2013)
Cẩn trọng khi chọn mua nấm linh chi   (21/6/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4844573