Bức tranh kinh tế Bình Thuận: Vẫn có những gam màu sáng   13/12/2021

BT- Trước tác động tiêu cực của dịch Covid - 19, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về kinh tế Bình Thuận trong năm 2021 vẫn có những gam màu sáng.



Nhìn từ những con số

Dự ước kết thúc năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) dù không đạt kế hoạch đề ra 7,45% nhưng vẫn thể hiện mức tăng trưởng dương là 2,75%. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình dịch Covid - 19 diễn biến hết sức phức tạp, tại thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi có thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao. Thế nên hoạt động du lịch, vận tải, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất công nghiệp, tiến độ xây dựng hạ tầng và thu hút dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp… đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Nhưng nhìn tổng thể, kinh tế Bình Thuận trong năm nay vẫn ghi nhận những kết quả tích cực như giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 35.740 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm ngoái. Trong khi sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, sản lượng lương thực cả năm ước đạt hơn 841.700 tấn (tăng 13,5%) và khai thác hải sản đạt trên 225.500 tấn (tăng gần 2%). Còn với tình hình bán lẻ hàng hóa trên thị trường cũng tương đối ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 61.400 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2020.

Nỗ lực vượt khó, thời gian qua các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cố gắng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường nhằm xúc tiến xuất khẩu. Nhờ đó góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận ước khoảng 583 triệu USD, vượt 16,4% so kế hoạch đề ra và tăng 23,2% so với năm trước. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.264 tỷ đồng, vượt 35,4% dự toán và tăng 3,14% so với năm 2020, tính riêng thu nội địa (trừ dầu) đạt 8.064 tỷ đồng, vượt 34% dự toán… 

Hướng đến năm mới 2022

Có thể ảnh hưởng của dịch Covid - 19 cùng với thiên tai khó lường do biến đổi khí hậu sẽ còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Bình Thuận trong năm tới đây. Nhưng với định hướng phục hồi các lĩnh vực liên quan trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trước đại dịch sẽ là động lực để địa phương vượt qua thách thức, thúc đẩy kinh tế vươn lên. Nhất là thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và nâng cao sức cạnh tranh, trong đó tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp…

Trên lĩnh vực công nghiệp, địa phương tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu - cụm công nghiệp và thu hút nhà đầu tư thứ cấp theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó cũng mời gọi đầu tư về công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng, hoặc dự án sản xuất các thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, ô tô, xe máy… Mục tiêu đề ra là đưa giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) trong năm 2022 tăng 7,76%. Đối với du lịch thì triển khai hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch phù hợp tình hình thực tế, nỗ lực sớm phục hồi thị trường khách sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid - 19. Tiếp tục đa dạng các loại hình dịch vụ, giữ vững hình ảnh điểm đến “An toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng” và phấn đấu đón 4,5 triệu lượt khách với doanh thu đạt 13.500 tỷ đồng. Trong phát triển nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu, đồng thời ưu tiên thu hút dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị đối với những ngành hàng, sản phẩm quan trọng của địa phương như thanh long, lúa, bò…

Bước sang năm 2022 với quyết tâm thực hiện hiệu quả mục tiêu “kép”,  Bình Thuận cũng hướng đến hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 7%, thu ngân sách nhà nước đạt 9.488 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 600 triệu USD… qua đó giúp bức tranh kinh tế của tỉnh tươi sắc hơn với gam màu sáng chủ đạo.

 

                                                                                                                                Nguồn: baobinhthuan.com.vn


Các tin tiếp
Kỹ thuật trồng gừng   (3/10/2017)
Phương pháp nuôi tôm mùa mưa   (27/9/2017)
Kỹ thuật trồng cây chanh cho trái quanh năm   (21/9/2017)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc Mít Thái ra trái quanh năm   (31/8/2017)
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây xanh   (15/8/2017)
Tập huấn trồng rau an toàn   (14/8/2017)
Kỹ thuật nuôi ếch   (14/4/2017)
Bắp lai đơn SK 100 cho năng suất cao trên đất Đông Tiến   (14/10/2016)
Quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu   (30/9/2016)
Sử dụng sóng âm mới để sản xuất siêu vắc xin   (20/1/2016)
Giải bài toán điện cho thanh long   (28/10/2015)
Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính   (21/10/2015)
Biến rơm thành phân bón, tiết kiệm cả ngàn tỷ đồng   (14/9/2015)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    5074134