Hội thảo: Phản biện Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030   26/8/2024

Sáng ngày 23/8/2024, tại Hội trường Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội tỉnh) đã tổ chức Hội thảo cho ý kiến Dự thảo báo cáo phản biện của Liên hiệp Hội tỉnh về Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.



 

Tham dự có các thành viên Hội đồng phản biện Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chủ đầu tư), đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (đơn vị tư vấn), các ban và văn phòng Liên hiệp Hội. Ông Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh – Chủ tịch Hội đồng phản biện chủ trì Hội thảo. 

Tại Hội thảo, các thành viên Hội đồng phản biện Đề án đã xem xét, cho ý kiến Dự thảo báo cáo phản biện Đề án do Liên hiệp Hội tổng hợp, các thành viên Hội đồng cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo về các mặt đạt được cũng như những nội dung tồn tại, hạn chế cần bổ sung, chỉnh sửa của Đề án, cụ thể: Dự thảo Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đã được xây dựng cơ bản bám theo đề cương đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2013/UBND ngày 27/9/2022; Đề án đã thể hiện theo quan điểm Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững và có giá trị gia tăng cao; phù hợp với phương án phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tỉnh Bình Thuận đối với vùng cây dược liệu ở những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp; ưu tiên mở rộng diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng theo Quyết định số 1701/QĐ-TU ngày 27/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đã nêu rõ sự cần thiết, căn cứ pháp lý, thực tiễn để xây dựng đề án, xác định, mục tiêu, đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu; đánh giá đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội; đánh giá thực trạng phân bố, trồng khai thác, chế biến tiêu thụ dược liệu; tiềm năng phát triển dược liệu; dự báo thị trường tiêu thụ; đánh giá về những thuận lợi, khó khăn thách thức; xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển dược liệu của tỉnh đến năm 2030, đánh giá hiệu quả và tổ chức thực hiện đề án và đã lập các bản đồ hiện trạng cây dược liệu, bản đồ định hướng phát triển trên đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, Đề án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được bổ sung, chỉnh sửa như: Bố cục Đề án cần thể hiện cân đối giữa các phần; cần đánh giá đầy đủ thực trạng phát triển cây dược liệu của tỉnh; các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển dược liệu của tỉnh; cần xác định rõ cơ sở đề ra mục tiêu Đề án cho phù hợp; công tác bảo tồn cây dược liệu quý hiếm của tỉnh; định hướng phát triển cây dược liệu còn dàn trải, một số giải pháp còn chưa cụ thể chưa đồng bộ từ quy hoạch, sản xuất , chế biến, nghiệm thu sản phẩm và nguồn vốn thực hiện đề án.

Tại Hội thảo, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đơn vị tư vấn đã giải trình một số vấn đề, nội dung cần làm rõ có liên quan, đồng thời, tiếp thu các nội dung thống nhất đã nêu trong báo cáo phản biện của Liên hiệp hội. Sau hội thảo, Liên hiệp Hội tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo phản biện Đề án gửi UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn để chỉnh sửa, hoàn chỉnh Đề án trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.

 

  VN

 

Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    5096835