(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-BTC ngày 05/01/2022 của Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ 10)
Thực hiện Kế hoạch số 4093/KH-UBND ngày 26/9/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận, Ban Tổ chức Hội thi ban hành Thể lệ Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 10 (2022-2023) với nội dung sau:
Điều 1. Mục đích, ý nghĩa
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận (sau đây gọi tắt là Hội thi) được tổ chức nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Cơ quan tổ chức và phối hợp
- Các cơ quan tổ chức: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là cơ quan thường trực tổ chức Hội thi.
- Các cơ quan phối hợp: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế.
Điều 3. Lĩnh vực dự thi
Tất cả các giải pháp sáng tạo kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống đều có quyền tham dự Hội thi. Các giải pháp dự thi đăng ký theo 6 lĩnh vực sau đây:
1. Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông;
2. Cơ khí tự động hoá, xây dựng, giao thông vận tải;
3. Vật liệu, hoá chất, năng lượng;
4. Nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường;
5. Y dược;
6. Giáo dục và đào tạo.
Điều 4. Đối tượng dự thi
1. Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống, lao động, học tập và công tác tại Bình Thuận, không phân biệt lứa tuổi, thành phần, dân tộc, nghề nghiệp, tôn giáo, có giải pháp sáng tạo kỹ thuật thuộc lĩnh vực dự thi, áp dụng hiệu quả tại Việt Nam từ năm 2015 đến thời điểm dự thi.
2. Các công trình giải pháp đã đạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam thì không được tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh.
3. Mỗi cá nhân, tổ chức có thể tham gia nhiều giải pháp dự thi.
4. Trách nhiệm của đối tượng tham gia dự thi: Thực hiện theo các quy định của Thể lệ Hội thi, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định và chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin trong hồ sơ dự thi.
Điều 5. Tiêu chuẩn đánh giá giải pháp dự thi
1. Tính mới, tính sáng tạo: Giải pháp do tác giả tạo ra, là kết quả của hoạt động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động kinh tế - xã hội, không trùng với các giải pháp đã được công bố trước thời điểm dự thi.
2. Khả năng áp dụng: Giải pháp dự thi đã được thử nghiệm, sản xuất thử và được chứng minh khả năng áp dụng hoặc đã được áp dụng có hiệu quả.
3. Hiệu quả kinh tế - xã hội: Giải pháp mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cao hơn so với giải pháp tương tự đã biết ở Việt Nam, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội.
Điều 6. Hồ sơ dự thi ( download )
Hồ sơ dự thi được trình bày bằng Tiếng Việt, trên khổ giấy A4, phông chữ Times New Roman, cỡ chữ 14 (theo quy định tại Nghị định 30)
Hồ sơ dự thi gồm 02 bộ, mỗi bộ gồm có:
1. Phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu đính kèm).
- Các tập thể, cá nhân dự thi không thuộc tổ chức (có tư cách pháp nhân) thì phiếu đăng ký phải có xác nhận của chính quyền địa phương.
- Các tập thể, cá nhân dự thi thuộc các tổ chức có tư cách pháp nhân thì phiếu đăng ký phải có dấu xác nhận của tổ chức nơi làm việc.
2. Bản mô tả giải pháp dự thi:
- Tên giải pháp dự thi (ghi như tên đăng ký trong phiếu đăng ký dự thi).
- Mô tả giải pháp kỹ thuật đã biết (nếu có): Mô tả ngắn gọn các giải pháp kỹ thuật đã biết trước ngày tạo ra giải pháp dự thi, đặc biệt cần nêu rõ những nhược điểm cần khắc phục của các giải pháp đó.
- Mô tả giải pháp dự thi, thuyết minh tính mới, tính sáng tạo của giải pháp dự thi: Mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ và rõ ràng toàn bộ nội dung của giải pháp dự thi. Đặc biệt, cần nêu rõ đây là giải pháp sáng tạo hoàn toàn mới hoặc đã có những sáng kiến, cải tiến mới được áp dụng để khắc phục những nhược điểm, nâng cao tính năng kỹ thuật của giải pháp đã biết.
- Khả năng áp dụng: Đã được áp dụng tại đâu; được chứng minh thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng sản xuất thử, hợp đồng bán hàng hoặc hóa đơn bán hàng.
- Hiệu quả kinh tế của giải pháp dự thi: Là lợi ích trực tiếp có thể thu được do áp dụng giải pháp mới vào sản xuất. Có bản tính toán kinh tế so với giải pháp cũ hoặc so với những giải pháp tương tự đã biết ở Việt Nam.
- Hiệu quả kỹ thuật: thể hiện bằng những chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến bộ hơn so với kỹ thuật đã biết trước đó;
- Hiệu quả xã hội: Như cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ sức khỏe, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bảo vệ môi trường, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, ...
3. Toàn văn giải pháp dự thi: Tác giả cần nêu cụ thể quá trình từ khi bắt đầu thực hiện đến khi hoàn thành giải pháp. Các tác giả có thể gửi kèm theo mô hình, sản phẩm chế thử, sơ đồ công nghệ, các bản vẽ, hình ảnh, các tính toán minh họa…
4. Các tài liệu khác (nếu có).
Điều 7. Thời gian và địa điểm tiếp nhận hồ sơ dự thi
1. Hồ sơ dự thi nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện cho Ban Tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận theo địa chỉ:
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận
Số 08 Nguyễn Tất Thành, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252.3827896; Fax: 0252.3834163
Email: lhhkhkt@binhthuan.gov.vn
2. Thời hạn nhận hồ sơ dự thi: kể từ ngày công bố Thể lệ Hội thi đến hết ngày 15/7/2023.
3. Hồ sơ dự thi sẽ không trả lại. Riêng sản phẩm hoặc mô hình được trả lại sau khi Hội thi kết thúc nếu người dự thi yêu cầu.
Điều 8. Đánh giá giải pháp dự thi
1. Hội đồng chấm thi do Ban Tổ chức Hội thi thành lập. Việc đánh giá được thực hiện bằng cách cho điểm từng tiêu chuẩn theo thang điểm do Ban Tổ chức Hội thi quy định.
2. Đánh giá giải pháp tham gia dự thi qua 02 vòng:
- Vòng sơ khảo: Ban Tổ chức Hội thi cấp tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định, thành viên là các chuyên gia liên quan đến các lĩnh vực dự thi. Hội đồng có nhiệm vụ phân loại hồ sơ, thẩm định hồ sơ sơ bộ, kiểm tra, xác minh, đánh giá và chấm điểm các giải pháp dự thi theo tiêu chí và thang điểm do Ban Tổ chức quy định.
- Vòng chung kết: Ban Tổ chức Hội thi cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét giải. Hội đồng xét giải dựa trên cơ sở kết quả thẩm định, đánh giá và chấm điểm các giải pháp dự thi đã được tổng hợp của Hội đồng thẩm định tại vòng sơ khảo để tiến hành thảo luận, thẩm định lại và đề xuất giải. Trong vòng chấm chung kết, các giải pháp được chọn, tác giả phải trình bày trước Hội đồng xét giải (nếu Hội đồng xét giải có yêu cầu).
3. Ban Tổ chức và Hội đồng xét giải lựa chọn các giải pháp xuất sắc để trao giải và gửi tham gia Hội thi sáng tạo toàn quốc.
Điều 9. Giải thưởng
1. Giải thưởng Hội thi lần thứ 10 có giá trị như sau:
- Giải nhất, mỗi giải trị giá 30 triệu đồng.
- Giải nhì, mỗi giải trị giá 24 triệu đồng.
- Giải ba, mỗi giải trị giá 18 triệu đồng.
- Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 6 triệu đồng.
2. Mỗi công trình, giải pháp dự thi có tối đa 02 đồng tác giả. Tác giả, đồng tác giả và cộng sự có mức đóng góp từ 20% trở lên mới được tặng Giấy Chứng nhận của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh.
3. Các giải pháp xuất sắc được Ban Tổ chức xét và đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xét tặng Bằng Lao động sáng tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo và phần thưởng của các nhà tài trợ cho Hội thi.
Điều 10. Khen thưởng các tập thể
1. Tặng giấy khen của Trưởng Ban Tổ chức Hội thi:
- Sau mỗi lần tổng kết Hội thi, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn từ 05 - 07 tập thể trong số các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động và tham gia Hội thi để khen thưởng.
b) Các tập thể được đề nghị khen thưởng phải đảm bảo đạt các điều kiện, tiêu chuẩn tại Khoản 2 Điều này.
2. Các điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng đối với các tập thể:
a) Có triển khai các hoạt động Hội thi (thành lập Ban Tổ chức, Kế hoạch, Quyết định, văn bản khác…) để tuyên truyển, phổ biến và triển khai thực hiện Hội thi tại cơ quan, đơn vị, địa phương;
b) Tích cực vận động và hướng dẫn các tác giả đăng ký tham gia dự thi;
c) Về số lượng mô hình, sản phẩm tham gia dự thi:
- Đối với Ban Tổ chức cấp huyện: có ít nhất 10 giải pháp dự thi và từ 02 giải pháp đạt giải trở lên;
- Đối với các đơn vị, tổ chức: có ít nhất từ 03 giải pháp dự thi và từ 01 giải pháp đạt giải trở lên;
d) Không có hồ sơ trả về do nộp chưa đúng theo quy định về Thể lệ.
Điều 11. Ban Tổ chức, Tổ Thư ký, Hội đồng chấm thi
1. Trưởng Ban Tổ chức Hội thi thay mặt Ban Tổ chức Hội thi ký quyết định thành lập Tổ Thư ký, ban hành Kế hoạch, Thể lệ Hội thi, Quy chế chấm thi, thành lập Hội đồng chấm thi, Quyết định khen thưởng...
2. Tổ Thư ký Hội thi giúp Ban Tổ chức Hội thi triển khai các hoạt động của Hội thi trên phạm vi toàn tỉnh.
3. Hội đồng chấm thi gồm các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực dự thi, do Ban Tổ chức Hội thi thành lập để giúp Ban Tổ chức Hội thi trong việc xem xét, đánh giá các giải pháp dự thi.
Điều 12. Tài chính
1. Kinh phí dành cho Hội thi được lấy từ các nguồn sau:
- Ngân sách nhà nước của tỉnh;
- Tài trợ của các tổ chức, cá nhân.
2. Kinh phí dành cho Hội thi được chi cho các nội dung sau:
- Chi thưởng cho các giải pháp đoạt giải thưởng, các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, vận động, tổ chức và tham gia Hội thi;
- Tổ chức triển khai các hoạt động Hội thi.
Điều 13. Bảo hộ sở hữu công nghiệp
Việc tham gia Hội thi không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp.
Khi phát hiện thấy giải pháp cần được bảo hộ (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp…), Ban Tổ chức sẽ thông báo cho người dự thi lập hồ sơ yêu cầu được bảo hộ. Các giải pháp dự thi muốn được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp phải tiến hành đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ trước ngày công bố trao thưởng của Ban Tổ chức Hội thi./.
|