Thoát vị đĩa đệm   23/11/2015
Thoát vị đĩa đệm hiện nay luôn là một vấn đề thời sự vì đó là một nguyên nhân phổ biến gây đau cột sống cổ, cột sống thắt lưng cũng như đau chân tay. Ở Mỹ, hàng năm có khoảng 2 triệu người phải nghỉ việc do đau thắt lưng với chi phí điều trị lên tới 21 tỷ USD. Còn ở Việt Nam, có tới 17% người trên độ tuổi 60 bị mất chứng đau lưng. Hiểu biết vấn đề này giúp chẩn đoán đúng, lựa chọn phương pháp điều trị đúng cũng như việc dự phòng có hiệu quả thoát vị đĩa đệm cột sống và giảm bớt chi phí điều trị bệnh.


* Nguyên nhân?

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên thoát vị đĩa đệm cột sống. Trước tiên là do các chấn động cột sống, đây là nguyên nhân hàng đầu. Thứ 2 là những tư thế xấu trong lao động chẳng hạn những chấn thương đột ngột đến đĩa đệm vùng thắt lưng khi nâng vật nặng mà lưng đang gấp hoặc tư thế ngồi gây cong vẹo cột sống. Ngoài ra tuổi tác và các bệnh lý cột sống bẩm sinh hay mắc phải như gai đôi cột sống hay thoát hóa cột sống …

* Thoát vị đĩa đệm là gì? Cơ chế nào dẫn đến thoát vị đĩa đệm?

Bình thường đĩa đệm nằm ở giữa 2 đốt sống, có lớp vỏ sợi bọc nhãn nhầy ở trung tâm. Nhờ tính đàn hồi, nó được ví như một miếng lót ở giữa 2 thân đốt sống, làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, bảo vệ cột sống khỏi bị chấn thương. Song đĩa đệm sẽ trở nên giòn và dễ vỡ theo thời gian. Ở những người trẻ thì đĩa đệm mềm dẻo hơn người già. Cũng như các cấu trúc khác trong cơ thể, chúng cũng mất dần tính dẻo dai và bền chắc, theo thời gian chúng cũng dễ bị tổn thương. Vì vậy khi một đĩa đệm mất tính mềm dẻo nó có thể bị rách ra và khi đó xuất hiện một chất dịch thoát ra ngoài vòng xơ, hiện tượng này gọi là thoát vị đĩa đệm. Chất dịch này có thể đè lên rễ thần kinh hoặc tủy gây nên tình trạng đau nhức, giảm cảm giác và yếu ở chi nếu khối thoát vị đó lớn dần.

* Triệu chứng:

Đau là dấu hiệu xuất hiện sớm nhất. Đau xuất phát từ cột sống lan xuống 2 tay hoặc 2 chân tùy theo vị trí thoát vị vùng lưng hay cổ.

Ngoài ra bệnh nhân có cảm giác kiến bò hay tê bì ở một số vùng da mà rễ thần kinh đó chi phối :

- Yếu cơ: do dây thần kinh chi phối vận động bị chặn dẫn truyền những xung động thần kinh ở nơi thoát vị từ não bộ xuống do đó gây nên tình trạng yếu nhược cơ.

- Bí trung đại tiện, cảm giác tê bì quanh bộ phận sinh dục ngoài đây là dấu hiệu của hội chứng chùm đuôi ngựa là do kích thích của rễ thần kinh.

* Chẩn đoán:

- Thoát vị đĩa đệm không phải chẩn đoán dễ dàng. Để chẩn đoán xác định đĩa đệm bị tổn thương ngoài các dấu chứng xuất hiện ở trên, người thầy thuốc phải thử cảm giác sức cơ, phản xạ và những cận lâm sàng cần thiết như điện cơ, chụp cộng hưởng từ … Qua đó, mới đánh giá được hình thức, tính chất thương tổn của đĩa đệm, vị trí đĩa đệm thoát vị vào ống sống hay vào lỗ liên hợp cũng như mức độ hẹp của ống sống nhiều hay ít để từ đó đưa ra những giải pháp hợp lý.

* Vấn đề điều trị hiện nay ?

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) là xét nghiệm cận lâm sàng đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết để chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm hay không, ngoài ra còn tùy thuộc vào mức độ vào những dấu chứng lâm sàng mà đặt ra chỉ định điều trị nội khoa hay ngoại khoa.

- Trước tiên cần thử điều trị nội khoa với nhiều biện pháp để giảm đau như:

+ Nằm nghỉ và dùng thiết bị chuyên dụng để nâng đỡ vùng thắt lưng – cùng

+ Dây bấm huyệt – tập Yoga – Vật lý liệu pháp – châm cứu …

+ Thuốc chống viêm không có nhân Steroid, an thần, giảm đau …

- Trong trường hợp thất bại can thiệp ngoại khoa là tốt nhất. Với trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện nay có nhiều phương pháp điều trị làm giảm áp lực nhân đệm thông qua :

+ Cắt đốt sống cao tầng Radiofrequency.

+ Laser dùng hiệu ứng nhiệt của tia laser để hủy phần đĩa đệm bị thoát vị, giải phóng chèn ép thần kinh.

+ Lấy nhân đệm bằng phương pháp mổ hở

+ Lấy nhân đệm bằng phương pháp mổ nội soi

+ Thay đĩa đệm nhân tạo

+ Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng Radio …

* Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp phẫu thuật còn tùy thuộc vào tính chất thương tổn của đĩa đệm, vị trí, tình trạng của người bệnh, trình độ thầy thuốc … mà áp dụng cho phù hợp bởi vì mỗi phương pháp phẫu thuật đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng của nó.

- Chẳng hạn điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống bằng sóng Radio và tia Laser là 2 phương pháp hoàn toàn khác nhau, nguyên lý của phương pháp điều trị bằng tia laser là đốt đĩa đệm bị thoát vị, thay bằng mổ hở để lấy đĩa đệm. Còn điều trị bằng sóng radio thì nguyên lý là bảo tồn đĩa đệm, bằng cách dùng sóng radio tạo áp lực, kéo nhân nhầy trở lại vị trí bình thường.

+ Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng tia laser đơn giản, ít đau đớn, không cần gây mê người bệnh, tiết kiệm được thời gian nằm viện so với mổ hở. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm nhất định như phản ứng với thuốc tê, nhiễm trùng chỗ đâm kim đôi khi bệnh nhân đau tăng lên đột ngột do trong lúc làm phẫu thuật khi đĩa đệm bị đốt cháy khói chưa kịp thoát ra ngoài làm cho khối thoát vị to thêm gây chèn ép nhiều hơn. Ngoài ra phương pháp này đòi hỏi phải lựa chọn bệnh nhân rất kỹ lưỡng chẳng hạn như những trường hợp đĩa đệm đã vỡ, xẹp trên 50%, thoát vị rất lớn hoặc rách dây chằng dọc sau … thì mổ hở lại là tối ưu hơn.

- Chỉ định của điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio thì rất hạn hẹp, nó chỉ áp dụng cho những bệnh nhân thoát vị đĩa đệm torng thời gian chưa lâu và không có bệnh lý nào khác ở cột sống đi kèm. Điều trị bằng sóng radio chỉ giải quyết một phần thoát vị mà không xử trí được các bệnh lý cột sống đi kèm như : Gai, vẹo, hẹp ống sống.

* Những biện pháp phòng tránh và luyện tập cho người bệnh thoát vị đĩa đệm :

- Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm cần phải luyện tập một cơ thể khỏe mạnh, một cột sống vững chắc ngay từ tuổi trẻ bằng một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

- Giữ gìn tư thế cột sống đúng trong sinh hoạt hàng ngày. Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng. Điều đó tránh gù vẹo cột sống là một trong những nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm.

- Thực hiện các động tác sinh hoạt hàng ngày thích nghi với tình trạng đau cột sống thắt lưng. Cần tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên không quá sức.

- Người trưởng thành cần chú ý tránh không mang vác vật nặn nhất là mang vật nặng ở tư thế lom khom.

- Cần tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất.

- Tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc hoạt động quá mức kéo dài.

* Như vậy, thoát vị đĩa đệm cột sống có thể gây tàn phế suốt đời nếu việc phát hiện và điều trị không kịp thời, không đúng cách, tần suất bệnh ngày một tăng. Vì vậy, tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh nên trang bị máy chụp cộng hưởng từ, máy CARM … để việc phát hiện và chẩn đoán sớm thoát vị đĩa đệm cũng như điều trị ngày càng đạt hiệu quả hơn.

* BS Đoàn Thành Công
(BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận)

 


Các tin tiếp
Thoát vị đĩa đệm   (23/11/2015)
Dụng cụ diệt ruồi vàng   (18/11/2015)
TÓM TẮT QUY TRÌNH XỬ LÝ CÀNH, QUẢ THANH LONG BỊ BỆNH   (28/10/2015)
SĂN SÓC ĐIỀU DƯỠNG   (26/10/2015)
Sản xuất khung xe đạp bằng tre   (26/9/2015)
Nhận biết và phòng tránh chấn thương sọ não ở trẻ em   (22/9/2015)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    5123186