|
Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đặc biệt ấn tượng với mô hình liên kết chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm. |
KTNT - Dù là loại bệnh “dính” là chết, chưa có vắcxin phòng bệnh, nhưng có nhiều đàn lợn vẫn sống sót dù trong vòng vây của dịch bệnh nhờ áp dụng biện pháp an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học.
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã “càn quét” ở 62 tỉnh, thành phố, với trên 4 triệu con lợn bị chết và tiêu hủy. Dù là loại bệnh “dính” là chết, chưa có vắcxin phòng bệnh, nhưng có nhiều đàn lợn vẫn sống sót dù trong vòng vây của dịch bệnh nhờ áp dụng biện pháp an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học.
Hộ chăn nuôi “tự cứu mình”
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ khi phát hiện tại Việt Nam (đầu tháng 2/2019) đến nay, DTLCP đã càn quét ở 6.500 xã thuộc tại của 62 tỉnh, thành phố với tổng số lợn bị tiêu hủy hơn 4 triệu con. Ninh Thuận là tỉnh duy nhất chưa xuất hiện loại dịch bệnh nguy hiểm này.
Bệnh DTLCP đã làm nhiều vùng chăn nuôi gần như kiệt quệ, người nuôi lợn phá sản. Ở một số tỉnh, tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy lớn hơn tổng ngân sách chi tiêu hàng năm của địa phương, phải cầu cứu Trung ương.
Tuy nhiên, nhờ “tự cứu mình”, nhiều hộ chăn nuôi, chủ trang trại đã chủ động áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các loại chế phẩm, bảo vệ được đàn lợn, dù dịch bệnh vây quanh.
Nhiều mô hình chăn nuôi đã áp dụng thành công ban đầu như: nuôi lợn bằng thức ăn lên men sinh học của Công ty CP Fukoku Hà Long tại Hưng Yên; nuôi lợn hữu cơ của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tại Thừa Thiên- Huế; nuôi lợn bằng các chế phẩm sinh học của Hợp tác xã Hoàng Long tại Thanh Oai (Hà Nội)…
Cụ thể, trong khi nhiều hộ chăn nuôi trong xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội xót xa nhìn đàn lợn phải tiêu hủy vì DTLCP, thì nhờ áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, đồng thời kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học nên đến nay, đàn lợn 200 con của gia đình ông Lê Viết Thể ở thôn Địch Trung (xã Phương Đình) vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa, hơn một nửa số lợn này sẽ được xuất chuồng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ giá lợn đang ở mức cao.
“Chế phẩm sinh học sử dụng thử vài tháng thấy hiệu quả tốt, mặc dù trong thời điểm DTLCP diễn biến phức tạp nhưng đàn lợn vẫn khỏe mạnh. Gia đình đang sử dụng chế phẩm men vi sinh để tăng cường sức đề kháng để phòng dịch”, ông Thể chia sẻ.
Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, qua nghiên cứu mô hình thí điểm ở các địa phương, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi có thể hạn chế được bệnh DTLCP. Thực tế chăn nuôi sinh học còn cho chất lượng thịt rất tốt, giảm chất thải ra môi trường. Trong khi chờ sản xuất được vắcxin, người chăn nuôi có thể áp dụng mô hình “An toàn dịch bệnh kết hợp an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh”. Tuy nhiên, việc làm này phải được thực hiện thường xuyên và áp dụng liên tục trong thời gian dài mới đem lại hiệu quả.
Sử dụng chế phẩm vi sinh đúng quy trình
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thông tin, các chế phẩm vi sinh được sử dụng trong cả thức ăn, nước uống, phun trong môi trường để gia tăng vi khuẩn có lợi, đồng thời ức chế vi khuẩn có hại, cũng như các loại virus gây bệnh trong đó có DTLCP. Một số loại chế phẩm đã sử dụng có hiệu quả như: BioSpring, Fukoku,...
“Nhiều hộ đã áp dụng nghiêm ngặt quy tắc trên và giúp đàn lợn không nhiễm bệnh dù trong vòng vây DTLCP. Các mô hình này đã được kiểm chứng ở Thừa Thiên-Huế, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định…”, ông Dương thông tin.
Theo ông Dương, các loại chế phẩm trên hiện không hiếm, trước đây đã có, nhưng người nuôi không sử dụng đúng quy trình, quy phạm, khi thêm cả kháng sinh vào thức ăn…
“Khi ứng dụng chế phẩm vi sinh, vừa thay thế được kháng sinh, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Như ở Nam Định, địa phương đã mời các nhà cung cấp chế phẩm hỗ trợ xây dựng mô hình ở các huyện, để triển khai rộng rãi trên địa bàn”, ông Dương nói.
Tới đây, Cục Chăn nuôi sẽ đẩy nhanh việc phố biến các quy trình chăn nuôi, sử dụng các loại chế phẩm nói trên cho các hộ chăn nuôi ứng dụng.
Chủ động tái đàn
Theo ông Dương, thời gian qua, nhu cầu ăn thịt lợn giảm do rơi vào các tháng nắng nóng, người dân ăn các loại thịt gia cầm, thịt bò, thủy sản… Đến giai đoạn thời tiết mát hơn, nhu cầu tiêu thụ tăng lên, đặc biệt những tháng cuối năm.
Ông Dương cho rằng, với tình hình DTLCP như hiện nay, cùng với nhu cầu thịt lợn tăng lên vào cuối năm, nguy cơ thiếu thịt lợn vẫn có thể xảy ra.
Liên quan đến thịt lợn nhập khẩu, ông Dương cho biết, nếu 6 tháng đầu năm 2018, sản lượng thịt lợn nhập khẩu chi 2.500 tấn, nhưng nửa đầu năm 2019, sản lượng thịt lợn nhập khẩu tăng lên khoảng 8.000 tấn.
“Con số trên còn nhỏ so với sản lượng hàng triệu tấn thịt lợn của Việt Nam, và chưa ảnh hưởng rõ ràng đến tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, tới đây, lượng thịt lợn nhập khẩu vào nhiều, tác động có lớn hơn”, ông Dương nói.
Do vậy, theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, để tăng nguồn cung phải tái đàn. Theo đó, cơ sở vừa bị dịch, chưa tiêu hủy được, chưa nên tái đàn. Còn khu vực an toàn dịch bệnh, hoặc có dịch nhưng được kiểm soát thì vẫn có thể mở rộng quy mô tăng đàn.
“Đương nhiên, để đàn lợn an toàn hơn trước DTLCP cũng như các dịch bệnh khác, bắt buộc chủ trại phải áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và sử dụng các chế phẩm sinh học một cách hợp lý. Trong thời điểm hiện nay, đây là giải pháp hữu hiệu khi vắcxin DTLCP đã và đang được nghiên cứu”, ông Dương nói.
Theo Kinhtenongthon.com.vn |