"Cậu bé vàng" của những sáng chế   27/1/2015

Đạt HCV cho sản phẩm "đèn Led quảng cáo" tại cuộc thi Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ năm 2013 (IEYI 2013) tổ chức tại Malaysia. Tháng 6- 2014, đạt HCB tại cuộc thi Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ Châu Á (AYIE) với sản phẩm "robot tránh vật cản".



Tháng 10- 2014, đạt giải nhất tại cuộc thi Sáng tạo KHKT thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc tại Hà Nội với sản phẩm "robot thám hiểm điều khiển qua wifi". Đó là loạt thành tích của Nguyễn Trọng Thủy, học sinh lớp 9A, Trường THCS Bình An, xã An Lộc, H.Lộc Hà (Hà Tĩnh).
"Khi hay tin sản phẩm "robot thám hiểm điều khiển qua wifi" của Nguyễn Trọng Thủy đạt giải nhất tại cuộc thi sáng tạo KHKT thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 10 tại Hà Nội không làm chúng tôi bất ngờ. Bởi, sản phẩm dự thi của em Thủy lần này không chỉ là một ý tưởng hay, một công cụ đắc lực giúp con người làm việc trong những môi trường độc hại, nguy hiểm"- thầy Nguyễn Hoài Nam- Phó hiệu trưởng Trường THCS Bình An tự hào nói.
Hai sản phẩm đạt HCV và HCB của cậu bé 14 tuổi Nguyễn Trọng Thủy. 
Cũng theo thầy Nam, ngoài giải thưởng trên, em Nguyễn Trọng Thủy còn đạt HCV, HCB ở cấp độ quốc tế và khu vực. Trong học tập, Thủy là một học sinh giỏi toàn diện, có điểm tổng kết từ 8.0 trở lên. Dù rất đam mê sáng tạo KHKT song em không hề lơ là chuyện học. Biết Thủy đam mê với các sáng chế, nhà trường ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho em phát huy năng lực, sở trường của mình. Được biết, năm 2013, em Nguyễn Trọng Thủy là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2013.
Thủy cho biết, do sớm được tiếp cận Internet nên trí óc em đã bị kích thích bởi các sản phẩm KHKT trên mạng. Từ đó, sau những giờ lên lớp em lại tự mày mò, sáng tạo các đồ chơi. Năm lên lớp 6, ý tưởng chế tạo đèn led quảng cáo được em thực hiện. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến mô hình, nhất là khâu lắp đặt, kết nối các thiết bị là một quá trình khó khăn, bởi kiến thức cũng như kinh nghiệm chưa nhiều, có lúc em còn định bỏ cuộc.
Nhưng rồi, được sự hướng dẫn của thầy cô giáo, cha mẹ và anh trai, em đã phác thảo tổng thể kết cấu cũng như cơ cấu hoạt động của chiếc đèn led. Quá trình chuẩn bị vật tư, thiết bị em có nhiều thuận lợi như sẵn có một vài thứ từ các vật dụng phế thải của quán Internet trước đây của gia đình. Còn chiếc môtơ thì nhờ bố mẹ gửi mua từ Hà Nội. Sau 3 tháng tự mày mò nghiên cứu, thực hiện ý tưởng, cuối cùng sản phẩm đèn led quảng cáo cũng được hoàn thành.
Với sản phẩm "đèn Led quảng cáo" này lần lượt đạt được các giải cao của huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, toàn quốc, và đặt biệt là đạt HCV tại cuộc thi Triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ năm 2013 (IEYI 2013) tổ chức tại Malaysia. Nói về tính năng của sản phẩm này, Thủy nói: Sản phẩm của em tốn ít vật liệu hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường nên giá thành rẻ mà quảng cáo được đa dạng hơn.
Hoàn thành sản phẩm đầu tay, gặt hái được thành công ngoài mong đợi, chính điều này đã thôi thúc em tiếp tục sáng chế các sản phẩm khác. Với số tiền có được từ giải thưởng, Thủy lại ấp ủ với các sáng chế mới. Lần này là ý tưởng một chú robot tránh vật cản. Các linh kiện như chíp điện tử, con mắt thần... ở Hà Tĩnh không có, em lại nhờ bố mẹ gửi mua ở Hà Nội.
Sau mỗi buổi học ở lớp, ở nhà, Thủy lại đưa "đứa con tinh thần" của mình ra hoàn thiện dần. Cũng mất khoảng 3 tháng, robot tránh vật cản đã chính thức ra đời. Với sản phẩm này, Thủy "trình làng" tại cuộc thi Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ Châu Á (AYIE) vào tháng 6- 2014 tại Malaysia và đã đạt được HCB.
T.Ư Đoàn TNCSHCM tặng Bằng khen cho Thủy.
Tình yêu với "robocon" chưa dừng lại ở đó. Cậu học sinh lớp 9 lại tiếp tục phát triển ý tưởng của mình từ "robot tránh vật cản" (được điều khiển bằng tay), thành "robot thám hiểm điều khiển qua wifi". Sản phẩm này lại tiếp tục gặt hái thành công khi xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Sáng tạo KHKT thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 10 tại Hà Nội vào giữa tháng 10- 2014 vừa qua.
Anh Nguyễn Trọng Tình (bố Thủy) tự hào khi nói về những thành công nhất định của cậu con trai bé nhỏ: ngoài 3 sản phẩm đạt giải cao toàn quốc và cấp quốc tế như sản phẩm đèn led quảng cáo; robot tránh vật cản; robot thám hiểm điều khiển qua wifi, Thủy còn có một sản phẩm khác mà tôi cũng thấy có hữu ích trong cuộc sống, đó là dụng cụ đo khoảng cách với một chiếc gậy được lắp bánh xe và một bộ đồng hồ xử lý vận tốc, khoảng cách, độ chùng của đường...
Với niềm đam mê sáng tạo của mình, Thủy cho biết: "Em sẽ tiếp tục nghĩ và sáng chế ra các sản phẩm mới, những sản phẩm đó phải đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống".
 
Theo vusta.vn

Các tin tiếp
Giá sạch từ công nghệ của nhà khoa học trẻ   (23/6/2015)
Học sinh sáng tạo thành công mô hình “máy phát và tích điện bằng ắc quy”   (12/3/2015)
Sáng tạo của nông dân: Một kiểu tưới gốc tiết kiệm, hiệu quả   (13/2/2015)
“Cây sáng chế” 9X   (13/2/2015)
"Cậu bé vàng" của những sáng chế   (27/1/2015)
Nữ công nhân sáng chế ra “cây bôi keo”   (25/9/2013)
Nguyễn Văn Hai: Khi nông dân trở thành nhà sáng chế   (19/8/2013)
Nuôi lươn không cần bùn   (2/7/2013)
Cậu học trò lớp 9 giành giải sáng tạo trẻ quốc tế   (23/5/2013)
Giải pháp hữu ích trong giáo dục đạo đức Học sinh cuối cấp bằng Lễ “Trưởng thành – Tri ân” và “Sinh nhật Tuổi 18”   (29/3/2013)
Có thể uống nước thải ở Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam   (28/3/2013)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    4847143