Bằng việc giải mã và cải tiến công nghệ, anh Trương Quốc Vi (ảnh, quận 12) đã kiếm được hợp đồng trị giá cả ngàn USD để xuất khẩu máy bóc vỏ mì. Trước đó,bạn trẻ 9X này từng được bạn bè ở trường đại học ví như là “cây sáng chế” với nhiều sản phẩm khoa học ứng dụng vào cuộc sống, như hệ thống lọc nước bằng xơ dừa, máy gom rác bãi biển, máy bóc vỏ mía...
Gia cảnh nghèo khó, con đường bước vào giảng đường đại học của Vi thêm nặng gánh. Không phụ lòng bố mẹ, anh chàng quyết tâm học vượt rút ngắn thời gian 4,5 năm xuống 3 năm. Năm 2014, Vi tốt nghiệp, sớm bươn chải vào đời với ước mơ lập doanh nghiệp từ chính các sản phẩm máy móc nghiên cứu từ khi ở đại học.
Dự định ban đầu được hoạch định rất cụ thể: lấy ngắn nuôi dài, lấy nhỏ nuôi lớn. Vi khởi nghiệp bằng những sáng tạo đơn giản như dụng cụ bóc mía thủ công, máy cắt nha đam tự động. Số lượng bán ra không nhiều nhưng vừa đủ để anh trang trải cuộc sống và mua các vật dụng để nghiên cứu tiếp. Cùng với đó, anh mang các nghiên cứu đi dự các cuộc thi ý tưởng sáng tạo trẻ. Giải thưởng ít nhiều cũng mang lại cho Vi khoản vốn nho nhỏ; có tiền, anh lại “ném” vào các nghiên cứu đang ấp ủ.
“Nói về công nghệ và doanh thu thị trường, tôi chờ đợi ở máy bào vỏ mía, được nghiên cứu chế tạo suốt 2 năm nay. Hơn 20 giải pháp được đưa ra và cũng không dưới 20 lần tôi thất bại cùng với những tai nạn trong quá trình học cắt, hàn... Nhưng tôi tin sản phẩm sẽ thành công”, Quốc Vi cười toe kể.
Theo Vi khảo sát và tính toán được, chỉ riêng tại TPHCM đã có hơn 2.500 cơ sở cung cấp hàng trăm ngàn cây mía sạch cho các điểm ép nước mía. Hiện trên thị trường đã xuất hiện hai dòng máy xuất xứ từ Đức và Trung Quốc. Trong đó, máy từ Đức có giá đến gần 70 triệu đồng/chiếc nhưng chỉ cạo sạch thân mía đạt 80%. Trong khi đó, chiếc máy do Vi chế tạo có cải tiến hệ dao bào, cho độ sạch lên đến 96%.
Theo tiết lộ của Vi, giá đầu tư mỗi chiếc máy chỉ 5 triệu đồng nhưng giá bán chấp nhận được là từ 15 - 20 triệu đồng/chiếc. Như vậy, khả năng ra lợi nhuận 300% trên mỗi sản phẩm. Cũng chính vì tiềm năng sản phẩm lớn như thế nên ngay từ khi chiếc máy cạo vỏ mía tự động vẫn còn trên giấy, anh đã có trong tay hơn 100 đơn đặt hàng.
Trương Quốc Vi khẳng định mọi thứ chỉ mới bắt đầu và bản thân anh đang mày mò tìm hướng đi cho đúng. “Bởi tôi tốt nghiệp ngành kỹ sư môi trường, chứ không phải cơ khí. Nhưng môi trường là sở thích, kinh doanh là vì mục tiêu, còn cơ khí lại là đam mê...”, Vi hóm hỉnh nhưng đầy tự tin.
Theo sggp.org.vn
|