Trong khuôn khổ giới thiệu các công nghệ, thiết bị, sản phẩm khoa học công nghệ của tỉnh năm 2023 vừa qua (ngày 07-08/12); tại hội chợ có nhiều công nghệ, trang thiết bị được giới thiệu.
Trong đó công nghệ thiết bị mà các doanh nghiệp, nhà khoa học, cá nhân, tổ chức, các đại biểu tham dự quan tâm đó là “thiết bị công nghệ sấy động sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ cho chế biến nông lâm thuỷ sản” của ThS. Phan Văn Hiệp - giảng viên Trường Đại học Văn Hiến TP. Hồ Chí Minh sáng chế, chế tạo; qua giới thiệu của nhà sáng chế, qua đánh giá của các đơn vị đã sử dụng thiết bị và các đại biểu tham dự hội chợ đánh giá cao thiết bị công nghệ sấy này có thể ứng dụng vào thực tiễn chế biến các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Bình Thuận là địa phương có tiềm năng và lợi thế về sản xuất năng lượng điện mặt trời, bức xạ mặt trời của tỉnh luôn cao và ổn định có số giờ nắng đạt trung bình khoảng 2.728 giờ/năm, cao hơn số giờ nắng trung bình của khu vực từ Đà Nẵng trở vào (từ 2.000 - 2.500 giờ/năm) thời gian có nắng để sản xuất điện trên địa bàn tỉnh hầu như quanh năm, số ngày nắng trung bình và tổng lượng bức xạ mặt trời trung bình đều cao hơn mức trung bình của khu vực.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận có lợi thế về phát triển nông nghiệp, sản phẩm đa dạng phong phú từ thuỷ sản, trái cây, rau củ quả, dược liệu…; đã có nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp nâng cao giá trị. Tuy nhiên hầu hết sử dụng năng lượng điện, than…, việc ứng dụng các thiết bị, công nghệ mới ở lĩnh vực năng lượng mặt trời trong chế biến sản phẩm còn hạn chế. Do đó, việc phát minh sáng chế công nghệ mới lĩnh vực năng lượng mặt trời ứng dụng vào chế biến các sản phẩm nông nghiệp là hết sức cần thiết; thiết bị công nghệ có những ưu điểm nổi trội sau:
Công nghệ sấy sử dụng năng lượng mặt trời cho chế biến nông lâm thuỷ sản có chi phí đầu tư ban đầu thấp so với các thiết bị sấy khác (sấy lạnh, sấy nhiệt…), chi phí vận hành thấp, ứng dụng năng lượng mặt trời hiệu quả nhất, tiết kiệm năng lượng, công nghệ sấy động gia tăng độ đồng đều; công nghệ tách ẩm, công nghệ khử vi sinh, nấm mốc bằng UVC (đèn cực tím dải C); chất lượng sản phẩm sau sấy được nâng cao (đảm bảo cảm quan về màu sắc và hình thể), đảm bảo tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm không gian xây dựng, tiết kiệm nhân công nhờ quy trình tự động hoá, đa dạng công suất, giảm phát thải các bon.
Công nghệ đã được chuyển giao cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong nước, công nghệ đã đạt được các giải thưởng như giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), giải nhì sáng tạo trong tầm tay (Bộ KH&CN), giải ba khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM…, hiện giải pháp đăng ký độc quyền sáng chế phương pháp sấy năng lượng mặt trời.
Với những tính năng vượt trội của công nghệ, hy vọng các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong tỉnh xem xét, ứng dụng vào sản xuất góp phần phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, giảm phát thải các bon, sản xuất xanh, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.
VN |