(binhthuan.gov.vn) Kinh tế Bình Thuận đang chịu nhiều tác động rõ rệt do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, đây là hệ quả tất yếu không thể tránh khỏi từ những biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt của địa phương. Phục hồi nền kinh tế là nhiệm vụ hết sức cần thiết, tuy nhiên, kiểm soát, ngăn chặn được dịch bệnh mới là yếu tố then chốt để kinh tế phục hồi và quay trở lại quỹ đạo phát triển ban đầu.
Hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ chịu nhiều tác động
Trong quý I năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ một số ít doanh nghiệp chế biến hải sản, giày dép phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất đã gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thông quan. Bước sang tháng 4, các doanh nghiệp bắt đầu gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu và sản xuất trong điều kiện phải thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Qua làm việc và nắm tình hình của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, Sở Công thương cho biết: hầu hết các doanh nghiệp đều dự báo giảm sản lượng sản xuất, doanh thu và kim ngạch xuất nhập khẩu, do đó khả năng không đạt kế hoạch năm là rất lớn. Thậm chí một vài doanh nghiệp nhỏ, năng lực yếu có thể sẽ đóng cửa, ngừng hoạt động từ quý II do thiếu nguyên liệu sản xuất và không đủ nguồn lực trả lương cho công nhân.
Theo số liệu từ ngành thuế cho thấy: trong quý I, ngành đã tiếp nhận gần 2.000 đơn xin nghỉ kinh doanh, tạm ngưng hoạt động, xin miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất,... của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh (trong đó có 541 hộ kinh doanh giải thể và đang làm thủ tục đóng mã số thuế, 1.400 hộ tạm nghỉ; 146 doanh nghiệp giải thể và bỏ địa chỉ kinh doanh, 134 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh). Phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, ăn uống, vận tải đóng cửa, ngừng hoạt động. Một số ít tranh thủ thời gian này để duy tu, sửa chữa.
Cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đóng cửa do dịch bệnh
Lĩnh vực dịch vụ - ăn uống chịu tác động nặng nề nhất do dịch bệnh (trong tháng 3, doanh thu từ lĩnh vực này ước đạt 732,4 tỷ đồng, giảm 26,4% so tháng trước). Dịch bệnh đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, cũng như khiến các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, lễ hội phải chấm dứt. Điều này khiến doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này sụt giảm một cách nghiêm trọng.
Hoạt động bán lẻ hàng hóa sụt giảm không đáng kể (trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.186,8 tỷ đồng, giảm 2,21% so tháng trước). Các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu kinh doanh các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, do đó vẫn đảm bảo được sức mua trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Theo thống kê của Sở Công thương, đến nay 137 chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn đang hoạt động bình thường cùng với hệ thống 41 cửa hàng tiện lợi trên toàn tỉnh, bao gồm: 19 cửa hàng VinMart (Phan Thiết), 18 cửa hàng Bách hóa xanh, 03 cửa hàng Co.op-Food (Phan Thiết) và 01 cửa hàng Hoàng Giang (Phan Thiết).
Các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh từ phía Trung Quốc đang khiến việc thông quan qua các cửa khẩu diễn ra chậm
Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc cơ bản được khôi phục, lưu lượng phương tiện xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khá. Sản phẩm thanh long của tỉnh chủ yếu xuất khẩu theo đường biên mậu. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh trong nước đang diễn biến phức tạp nên phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đối với các lái xe từ Việt Nam sang giao nhận hàng hóa. Theo đó, hiện nay, phía Trung Quốc không cho lái xe có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh vận chuyển đưa hàng hóa sang Trung Quốc, chỉ cho lái xe có hộ khẩu thường trú tại Lạng Sơn được phép sang Trung Quốc giao nhận hàng hoá. Do đó, tình hình thông quan qua các cửa khẩu biên giới đang diễn ra chậm, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thanh long của tỉnh Bình Thuận.
Đối với các thị trường xuất khẩu khác, một số thị trường dự ước kim ngạch xuất khẩu giảm như: Thái Lan, một số nước Châu Âu. Mặt hàng bị ảnh hưởng chủ yếu là hàng hóa nông sản (giảm xấp xỉ 50%), mặt hàng khác như giày dép (giảm xấp xỉ 30%). Riêng nhóm hàng thủy hải sản, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng do doanh nghiệp đã dự trữ nguyên liệu nhập khẩu từ trước và có đơn hàng ổn định.
Sẽ sớm có biện pháp phục hồi nền kinh tế
Trong bối cảnh Bình Thuận cơ bản đã khống chế được dịch bệnh, UBND tỉnh sẽ sớm ban hành các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi trở lại.
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19; từ đó đề xuất, tham mưu kế hoạch triển khai và các giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố đang khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch số 1338/KH-UBND ngày 08/4/2020 của UBND tỉnh về triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất và các văn bản có liên quan để hỗ trợ cho doanh nghiệp trước khó khăn do dịch COVID-19; Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ trì cùng Bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát, tổng hợp nhu cầu người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của 03 tháng tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động, báo cáo UBND tỉnh trong ngày 20/4/2020.
Thúc đẩy, phục hồi nền kinh tế nhưng vẫn tuân thủ việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh mới là yếu tố then chốt để nền kinh tế phục hồi và quay lại quỹ đạo phát triển. Do đó mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn./.
Nguồn: https://www.binhthuan.gov.vn/4/469/52723/571592/kinh-te-xa-hoi
|