(binhthuan.gov.vn) Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 45/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 30 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài, Bình Thuận đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận trong xã hội và đã đạt được một số kết quả bước đầu, quan trọng.
Kết quả bước đầu
Trước việc Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU, tỉnh Bình Thuận đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các sở ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhất là tại các địa phương vùng biển.
Ban Chỉ đạo chống khai thác khai thác IUU tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các chủ tàu
Xác định tuyên truyền là một trong những công tác trọng tâm trong quá trình thực hiện thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU. Từ năm 2018 đến nay, các Sở, ngành chức năng và các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương vùng biển tổ chức hàng chục lớp tuyên truyền cho cán bộ quản lý, đoàn thể ở cơ sở, hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp. Chi cục Thủy sản, Bộ đội biên phòng vùng biển phối hợp các phòng, ban chức năng cấp huyện và chính quyền cấp xã tổ chức 81 lớp tập huấn phổ biến pháp luật, vận động ngư dân tự giác không khai thác hải sản trái phép vi phạm vùng biển nước ngoài với sự tham gia của 3.440 lượt chủ tàu và thuyền trưởng; cấp phát trên 13.610 tờ rơi tuyên truyền về các hoạt động khai thác thủy sản, xây dựng 7 nội dung trên pa nô tuyên truyền, thông tin trên 1.100 lượt trên loa phát thanh tại các địa phương. Tổ chức cho chủ tàu và thuyền trưởng ký 2.463 cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài... Từ đó, nhận thức về pháp luật chống khai thác IUU của một bộ phận ngư dân đã được nâng lên, tạo sự chuyển biển về ý thức chấp hành pháp luật trong thực tế.
Ban quản lý cảng cá tăng cường giám sát thống kê sản lượng, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác
Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục bằng nhiều hình thức, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, theo dõi tàu cá nghi vấn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tăng cường giám sát thống kê sản lượng, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác cho doanh nghiệp. Đến nay, công tác xác nhận nguyên liệu hải sản từ khai thác, giám sát sản lượng hải sản qua cảng đã có tiến bộ, thuận lợi khi truy xuất, kiểm tra. Trong năm 2019, các Ban quản lý cảng cá trong tỉnh đã cấp 120 giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu với trên 3.280,5 tấn hải sản khai thác các loại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sang thị trường Châu Âu; Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá thực hiện kiểm tra, cấp phát 3.401 giấy xác nhận kiểm soát tàu cá xuất bến và thu hồi 3.173 giấy xác nhận tàu cá về bến.
Các lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU. Chỉ tính trong năm 2019, toàn tỉnh đã xử phạt 414 trường hợp vi phạm, thu phạt hơn 3,24 tỷ đồng; riêng 3 tháng đầu năm 2020, đã xử phạt 16 trường hợp vi phạm, thu phạt 176 triệu đồng.
Thông qua nhiều giải pháp quyết liệt, Bình Thuận đã từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài . Số vụ vi phạm, số tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý năm 2018 giảm 01 vụ/ 01 tàu/ 33 ngư dân; năm 2019 giảm 02 vụ/ 04 tàu/ 31 ngư dân so với năm 2018. Đặc biệt, từ tháng 7/2019 đến nay, toàn tỉnh đã không xảy ra vụ việc tàu cá, ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động tàu cá trên biển
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai thiết bị giám sát hành trình tàu cá là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài, cũng như tàu giã cào bay vi phạm tuyến, góp phần khắc phục thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC).
Triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá, đặc biệt là tàu cá hành nghề giã cào bay, tàu cá xa bờ có nguy cơ cao xâm phạm vùng biển nước ngoài, Tổ công tác xúc tiến triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu kỹ quy định lắp đặt thiết bị VMS theo Luật Thủy sản đến các chủ tàu, ngư dân; tiến hành phân loại, lập danh sách tàu cá thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS theo lộ trình quy định gửi chính quyền địa phương, Đồn, Trạm biên phòng vùng biển theo dõi, đốc thúc thực hiện.
Từ đầu tháng 10/2019, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân trong tỉnh chính thức được triển khai. Đến ngày 10/4/2020, toàn tỉnh có 1.043 tàu cá đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS; trong đó nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên có 35/36 tàu và nhóm có chiều dài từ 15 mét đến dưới 24 mét có 1.008 tàu. Phú Quý là địa phương thực hiện lắp đặt VMS đạt tỷ lệ cao nhất với 455/476 tàu. Riêng đối với nhóm tàu cá hành nghề giã cào bay được cấp phép đã lắp đặt được 43/104 chiếc (tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá đã được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt nhưng tiến độ còn chậm; hầu hết tàu cá thuộc diện lắp đặt thiết bị VMS chưa đáp ứng tiến độ theo lộ trình Chính phủ quy định, trừ nhóm tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên.
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình, kết quả chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống khai thác IUU, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Huỳnh Thanh Cảnh đã yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định và lộ trình của Chính phủ trước ngày 15/6/2020.
Để triển khai thực hiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tuấn Phong cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan tập trung rà soát, lập danh sách tàu cá chưa lắp đặt, thông báo thời hạn lắp đặt đến từng chủ tàu; chỉ đạo lực lượng kiểm ngư, biên phòng triển khai đồng loạt công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, khu vực neo đậu để kiểm soát tàu cá theo danh sách; cảnh cáo nghiêm khắc mức phạt, kiên quyết không cho xuất bến đi biển, yêu cầu thực hiện ngay việc lắp đặt, dừng giải quyết chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/TTg và các chính sách có liên quan; xử lý nghiêm theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP đối với chủ tàu cá đã được thông báo, cảnh báo, nhưng vẫn không thực hiện việc lắp đặt thiết bị.
Nguồn: binhthuan.gov.vn/kinh te-xã hoi
|