“Chúng ta thiếu các "đại bàng", thiếu các nhà đầu tư lớn để có vị trí dẫn dắt. Vì vậy, chúng ta cần phải rà soát lại vòng đời của các dự án resort trước đây”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thế thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh nội dung trên trong khuôn khổ buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Thuận diễn ra vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ấn tượng trong một thời gian ngắn Bình Thuận đã thu hút được 380 dự án đầu tư về du lịch. Vì vậy mà du lịch của Bình Thuận có nhiều địa chỉ đến, có nhiều cơ sở lưu trú. Gần đây nhất, trong 8 tháng năm 2022, Bình Thuận đã hoàn thiện được cái chỉ tiêu về du lịch nội địa và cách tiếp cận lần này không tính đầu khách mà Bình Thuận đã tính mức độ chi tiêu của du khách khi đến du lịch. Theo đó, nguồn thu đến hôm nay thu từ du lịch là 4.500 nghìn tỷ, đạt rất cao và tăng hơn 17 % so với cùng kỳ năm trước.
“Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thì Bình Thuận cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhiều hạn chế. Khi chúng ta nhìn nhận ở đó quá trình phát triển này thì chúng ta thấy dư địa của Bình Thuận vẫn còn nhiều, nhưng làm gì để cho những dư địa đó nó phải phát triển tương ứng, thì đây là bài toán này đòi hỏi phải giải quyết một cách rất căn cơ”, Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng lấy ví dụ, là thủ đô Resort nhưng chính vì việc phân khúc nhỏ lẻ, mỗi một dự án chỉ từ 30 - 40 hécta và cuối cùng tại thời điểm đó là phù hợp nhưng đến thời điểm này nó không còn phù hợp. “Chúng ta thiếu các "đại bàng", thiếu các nhà đầu tư lớn để có vị trí dẫn dắt. Vì vậy, chúng ta cần phải rà soát lại vòng đời của dự án resort trước đây. Ví dụ như manh mún, nhỏ lẻ như vậy thì hướng tới định hướng cho họ nâng cấp cái gì và cũng có thể giảm thu hút sau khi chấm dứt các dự án chu kỳ để có những nhà đầu tư chiến lược lớn hơn. Còn nếu không, cứ để phân khúc đứt đoạn như thế này chúng ta sẽ rất khó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, Bình Thuận đã xác định ngành kinh tế du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng nguồn nhân lực như thế nào không phải ai ai cũng làm được. “Du lịch chuyên nghiệp khác, du lịch cộng đồng khác, phân khúc nó khác nhau. Tôi cũng cảnh báo luôn, nếu không là sẽ có xung đột, bởi vì sản phẩm du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa” Bộ trưởng bày tỏ.
Bộ trưởng cho rằng Bình Thuận nên tập trung để cùng với Bộ hoàn thiện quy hoạch về du lịch để được kết nối những điểm đến khu du lịch, điểm du lịch trở thành điểm và khu du lịch của quốc gia. “Như vừa rồi năm 2020, chúng ta công nhận khu du lịch quốc gia Mũi Né và khi chúng ta hoàn thiện được quy hoạch trong tích hợp quy hoạch của du lịch vào quy hoạch chung của kinh tế xã hội của Bình Thuận, thì nó mới có bước đi phát triển và có một cái tầm nhìn mới về quy hoạch du lịch. Quy hoạch thứ hai là phải quy hoạch để tạo dựng cho được sản phẩm của du lịch. Nếu du lịch mà không có sản phẩm thì sẽ không phát triển”, Bộ trưởng cho biết.
Về sản phẩm du lịch Bình Thuận hiện nay là cái gì? Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đó là Bình Thuận cần phát huy những lợi thế đã có, đó là du lịch biển gắn với thể thao và giải trí. Đồng thời phải tính thêm du lịch văn hóa. Đó là phát huy được các lễ hội, các hoạt động về nguồn, phải có những cái sản phẩm du lịch bổ trợ như điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe...
Năm 2023 Bình Thuận sẽ tổ chức năm du lịch quốc gia. Từ khóa Thủ tướng đưa ra cho Bình Thuận là phát triển kinh tế xanh, nhanh và bền vững. “Chúng ta sẽ mời lãnh đạo Đảng và Nhà nước về tham dự, chắc chắn là du lịch Bình Thuận sẽ có bước phát triển và nó sẽ đi đúng vào quỹ đạo để nó trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có lợi thế, có tiềm năng”, Bộ trưởng bày tỏ.
THANH NHÀN(thực hiện)
Theo baobinhthuan.com.vn |