Du lịch khẳng định trụ cột kinh tế của Bình Thuận   28/8/2023

Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là trụ cột kinh tế của Bình Thuận…

 



Vượt qua đại dịch, phục hồi mạnh mẽ

Cùng thời điểm Nghị quyết 06 được ban hành, Bình Thuận cũng bắt đầu mở cửa đón khách du lịch trở lại trong giai đoạn bình thường mới sau thời gian phải đóng cửa vì ảnh hưởng dịch Covid - 19. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch, song với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh ủy - UBND tỉnh cùng nỗ lực không ngừng của các ngành, địa phương nên du lịch Bình Thuận vẫn có những chuyển biến tích cực.

Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đưa du lịch là một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh

Nhận thấy thị trường khách quốc tế chưa thể phục hồi nhanh trở lại, ngành du lịch địa phương xác định thời gian này cần tập trung khôi phục, phát triển du lịch nội địa gắn với thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch an toàn, vừa phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Chính vì vậy mà công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cũng như hoạt động quảng bá, xúc tiến tiếp tục được tăng cường, đổi mới… Thế nên dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng thời gian qua Bình Thuận vẫn cho thấy là một trong những điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn trên cả nước về thu hút khách du lịch.

Không những vậy, Bình Thuận còn tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế và tập trung phát triển ngành “công nghiệp không khói” nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là trụ cột kinh tế của tỉnh như Nghị quyết số 06 đề ra. Theo đó hướng đến thu hút du khách với đa dạng loại hình như: Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và thể thao giải trí đặc sắc, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch khám phá trải nghiệm… Đặc biệt là đầu tư phát triển các loại hình du lịch thể thao giải trí trên biển (lướt ván diều, lướt ván buồm, lặn biển) - trên đồi cát (lái xe địa hình, trượt cát), chơi golf, dịch vụ spa, tắm bùn khoáng, du lịch sinh thái rừng - thác - hồ. Trong đó ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường, tham quan tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư, làng nghề truyền thống…

Có thể nói, đến nay du lịch Bình Thuận đã vượt qua đại dịch và chuyển mình mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định là điểm đến hút khách với hình ảnh đặc trưng “Biển xanh - Cát trắng - Nắng vàng”.

Phát huy lợi thế, bứt phá vươn lên

Ngoài vị trí địa lý thuận lợi là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên thì Bình Thuận còn sở hữu 192 km bờ biển với nhiều bãi biển, cảnh quan đẹp, thời tiết ủng hộ cho hoạt động du lịch ngoài trời. Từ những lợi thế sẵn có, địa phương nỗ lực hướng tới khẳng định là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước, trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang phối hợp tổ chức Cuộc thi “Khát vọng Việt Nam: Đưa Phan Thiết trở thành điểm đến du lịch MICE và Wellness hàng đầu thế giới năm 2045”. Điều này cho thấy, Bình Thuận cũng rất quan tâm đến loại hình mới là du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khen thưởng (du lịch MICE) và du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe (du lịch Wellness). Thông qua đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển trung tâm hội nghị, hội thảo tại những khu phức hợp du lịch có quy mô lớn và các dự án du lịch điều dưỡng, dự án đầu tư bệnh viện quốc tế gắn điều trị với chăm sóc, phục hồi sức khỏe, thẩm mỹ…

Đặc biệt trong năm nay, địa phương vinh dự đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 - Bình Thuận - Hội tụ xanh là cơ hội để ngành thu hút và tăng trưởng số lượng du khách. Thêm thuận lợi nữa là, tuyến đường bộ cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo được đưa vào sử dụng đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của du khách đến Bình Thuận. Do vậy gần đây, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức sôi động nhất là vào cao điểm du lịch hè 2023 với lượng khách tăng cao, bình quân đạt hơn 800.000 lượt/tháng. Tính chung qua 7 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh ước đón hơn 5,3 triệu lượt khách, tăng 82% so cùng kỳ năm ngoái (trong đó khách quốc tế có khoảng 133.500 lượt, tăng 4 lần so cùng kỳ), đối với doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 13.450 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so cùng kỳ… Theo nhận định, với nhiều yếu tố thuận lợi và nỗ lực của địa phương thì việc hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về du lịch trong năm 2023 có thể sớm hoàn thành. Đó là cả năm đón 6.720.000 lượt khách, tăng 17,48% so cùng kỳ (trong đó khách quốc tế có 220.000 lượt, tăng 2,5 lần) và đạt tổng thu từ khách du lịch là 15.900 tỷ đồng, tăng 16,23% so với năm 2022.

Du lịch phát triển không những góp phần làm đổi thay bộ mặt đô thị lẫn nông thôn mà còn gìn giữ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường tại địa phương. Nhờ đó vai trò, vị trí của du lịch cũng ngày càng nâng lên, dần thể hiện và khẳng định ngành kinh tế trọng điểm là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của Bình Thuận bên cạnh công nghiệp - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh thu hút 384 dự án du lịch còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 68.875 tỷ đồng (trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư hơn 11.230 tỷ đồng), hiện có gần 190 dự án đã đi vào hoạt động. Ngoài ra còn có hàng trăm cơ sở lưu trú du lịch sẵn sàng đón, phục vụ và mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại Bình Thuận.

Để đưa du lịch vươn lên xứng tầm và bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, mới đây UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Hay như họp bàn, tiến tới triển khai thí điểm Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 nhằm từng bước đẩy mạnh hoạt động kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh, xây dựng Phan Thiết - Mũi Né và các điểm du lịch trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn. Mặt khác còn ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Từ đó huy động các nguồn lực tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột kinh tế vững chắc của Bình Thuận cũng như xây dựng, giữ gìn hình ảnh điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”…

Thực hiện Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV), địa phương còn hướng xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 8,9 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%) và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, còn đến năm 2030 đón 16 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm từ 15 - 20%), doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng…

  

  QUỐC TÍN (thực hiện)

Theo baobinhthuan.com.vn

 


Các tin tiếp
Sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt gần 17 nghìn tấn   (15/5/2020)
Bình Thuận công bố tình huống khẩn cấp do hạn hán cấp độ 2: Nhiều việc cấp bách cần làm để chống hạn   (8/5/2020)
4 tháng đầu năm 2020: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định   (6/5/2020)
Tình hình Kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2020   (6/5/2020)
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Ngân hàng (cơ sở dữ liệu) tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh   (6/5/2020)
Bình Thuận: Ban hành quyết định công bố chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh   (5/5/2020)
Đảm bảo thị trường hoạt động ổn định xuyên suốt thời gian phòng, chống dịch COVID-19   (4/5/2020)
Bình Thuận đạt nhiều kết quả tích cực sau hơn 2 năm thực hiện giải pháp cấp bách chống khai thác IUU   (4/5/2020)
Sẽ sớm có giải pháp phục hồi nền kinh tế   (4/5/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI QUÝ I NĂM 2020   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2019   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2018 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2017 TỈNH BÌNH THUẬN   (7/4/2020)
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI THÁNG 12 VÀ CẢ NĂM 2016   (7/4/2020)
Bình Thuận thu ngân sách trong Quý I năm 2020 đạt 2.712 tỷ đồng   (6/4/2020)
Tìm kiếm
Liên kết
Mạng thông tin
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập :    5128258